Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác phòng, chống thiên tai và TKCN năm 2023.

Ngày đăng: 20/04/2023

Chiều 20/4/2023, tại trụ sở Bộ Nông nghiệp và PTNT, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang - Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về Phòng, chống thiên tai (PCTT), Chủ tịch Uỷ ban quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và Tìm kiếm cứu nạn (TKCN) chủ trì Hội nghị toàn quốc về công tác PCTT và TKCN năm 2023.

Dự hội nghị tại điểm cầu Trung ương còn có các Phó Trưởng ban Ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT: Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Lê Minh Hoan - Phó Trưởng ban thường trực; Thứ trưởng Bộ Nông nghiệp và PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp; Trung tướng Nguyễn Trọng Bình - Phó Tổng tham mưu trưởng Quân đội nhân dân Việt Nam và các thành viên Ban Chỉ đạo, Ủy ban Quốc gia thuộc các Bộ, cơ quan Trung ương; lãnh đạo Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo, Văn phòng Ủy ban quốc gia; đại diện các tổ chức quốc tế, đối tác giảm nhẹ thiên tai và một số cơ quan nghiên cứu, chuyên gia, nhà khoa học…

Hội nghị được kết nối trực tuyến tới điểm cầu của 63 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương.

Điểm cầu 63 tỉnh/thành phố có sự chủ trì của các đồng chí lãnh đạo UBND - Ban Chỉ huy PCTT&TKCN cấp tỉnh/thành phố và sự tham dự của đại diện lãnh đạo các Sở, ban, ngành - thành viên Ban Chỉ huy.

Mục tiêu của hội nghị nhằm đánh giá toàn diện công tác PCTT năm 2022, bao gồm những kết quả đạt được, những tồn tại, hạn chế, bài học kinh nghiệm từ thực tế công tác chỉ đạo, điều hành trong thời gian vừa qua. Bên cạnh đó, hội nghị cũng đánh giá tình hình thiên tai trong năm 2023, đề ra một số nhiệm vụ trọng tâm và các giải pháp góp phần nâng cao chất lượng công tác PCTT trong năm.

Thiên tai 2022 khiến 175 người chết, mất tích, thiệt hại kinh tế hơn 19 nghìn tỷ đồng

Năm 2022, thiên tai trên thế giới diễn ra rất phức tạp với nhiều trận thiên tai quy mô lớn, phạm vi ảnh hưởng rộng, vượt mức lịch sử gây thiệt hại rất lớn về người và tài sản. Điển hình như nắng nóng, hạn hán kéo dài, nghiêm trọng nhất trong vòng 500 năm tại châu Âu; siêu bão Ian đổ bộ vào Mỹ cuối tháng 9 làm 154 người chết; lũ lụt lịch sử trong tháng 7-8 tại Pakistan làm gần 1.700 người thiệt mạng… Thiên tai năm 2022 đã làm 30.700 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế trên 224 tỷ USD. Đặc biệt, đầu năm 2023, tại khu vực miền Nam và miền Trung Thổ Nhĩ Kỳ, giáp biên giới với Syria, đã xảy ra 2 trận động đất với độ lớn 7,8 và 7,5 độ richter gây thiệt hại đặc biệt nghiêm trọng: 53.000 người chết, 130.000 người bị thương và hơn 6.200 toà nhà bị sập đổ, thiệt hại kinh tế trên 105 tỷ USD.

Năm 2022, thiên tai tiếp tục diễn ra khốc liệt, dị thường, trái quy luật trên khắp cả nước

Tại Việt Nam, năm 2022, thiên tai xảy ra bất thường, cực đoan, trái quy luật ngay từ những tháng đầu năm và trên các vùng miền cả nước với 21/22 loại hình thiên tai, 1.072 trận thiên tai được thống kê[1]. Một số đợt thiên tai cực đoan, dị thường trong năm có thể kể đến như: Mưa lớn kéo dài tại miền Bắc trong các tháng 4,5,6[2]; miền Trung hứng chịu liên tiếp 03 cơn bão đổ bộ và mưa lũ sau bão gây thiệt hại nặng nề[3]; 247 trận động đất xảy ra trên địa bàn huyện Kon Plông, tỉnh Kon Tum; đê biển Tây, tỉnh Cà Mau bị sạt lở do sóng lớn… Thiên tai trong năm đã làm 175 người chết, mất tích, thiệt hại về kinh tế gần 19.500 tỷ đồng (gấp 1,6 lần thiệt hại về người và 3,4 lần thiệt hại về kinh tế so với năm 2021).

Công tác phòng, chống thiên tai năm 2022 đã đạt được những kết quả toàn diện, góp phần giảm thiểu thiệt hại

Với sự chỉ đạo quyết liệt của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ, Phó Thủ tướng - Trưởng Ban chỉ đạo, lãnh đạo Ban Chỉ đạo, Uỷ ban Quốc gia, các bộ, ngành, đặc biệt là sự chủ động của các địa phương và cộng đồng nên công tác PCTT năm 2022 đã đạt được những kết quả toàn diện trên cả 3 mặt: phòng ngừa, ứng phó và khắc phục hậu quả thiên tai. Trong đó:

Công tác phòng ngừa thiên tai được triển khai đồng bộ cả chiều sâu và diện rộng: Hoàn thành xây dựng và trình Thủ tướng Chính phủ ban hành Chương trình tổng thể PCTT quốc gia; tiếp tục triển khai Bộ chỉ số đánh giá công tác PCTT cấp tỉnh; đẩy mạnh công tác dự báo, cảnh báo thiên tai; nâng cao khả năng chống chịu của công trình hạ tầng, nhà ở an toàn vùng thiên tai; tích cực đổi mới công tác thông tin, truyền thông, nâng cao năng lực cộng đồng theo nhiều hình thức sáng tạo; đẩy mạnh hoạt động hợp tác quốc tế…

Công tác chỉ đạo, điều hành ứng phó với các tình huống thiên tai ngày càng chặt chẽ, quyết liệt, bám sát thực tiễn. Cụ thể, cơ quan thường trực Ban Chỉ đạo (Bộ Nông nghiệp và PTNT) đã ban hành 39 công điện, 71 văn bản chỉ đạo và tổ chức 16 cuộc họp do Thủ tướng Chính phủ, Lãnh đạo Ban Chỉ đạo chủ trì, cùng sự tham gia của 93 lượt điểm cầu tại cấp tỉnh/thành phố để ứng phó với thiên tai. Văn phòng thường trực Ban Chỉ đạo (Cục Quản lý Đê điều và PCTT) tổ chức trực ban 24/24h, theo dõi, nắm bắt sớm các tình huống thiên tai đồng thời phân tích, nhận định, đánh giá diễn biến để đưa ra các biện pháp ứng phó, tham mưu kích hoạt toàn bộ hệ thống PCTT, người dân, cộng đồng vùng thiên tai vào cuộc ngay sau khi có thông tin của cơ quan dự báo khí tượng thủy văn.

Đối với công tác khắc phục hậu quả thiên tai, mặc dù phải tập trung nguồn lực cho phục hồi kinh tế sau dịch, Thủ tướng Chính phủ vẫn quyết định hỗ trợ 1.800 tỷ đồng cho 28 tỉnh, thành phố khắc phục hậu quả thiên tai; xuất cấp hàng dự trữ quốc gia để khắc phục nhanh chóng, kịp thời. Sau mỗi đợt thiên tai, các đồng chí lãnh đạo Nhà nước, Chính phủ, Ban Chỉ đạo cùng với lãnh đạo các cấp ở địa phương đã trực tiếp xuống hiện trường động viên thăm hỏi người dân bị thiệt hại, trực tiếp kiểm tra công tác khắc phục hậu quả, sớm ổn định đời sống nhân dân.

Những tồn tại, hạn chế và nhiệm vụ trọng tâm trong thời gian tới

Theo Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp, công tác phòng chống thiên tai năm 2022 dù đã đạt được nhiều kết quả tích cực, nhưng vẫn còn đó không ít hạn chế. Việc thực hiện phương châm “4 tại chỗ” trong ứng phó thiên tai còn hình thức. Công tác vận hành hồ chứa còn bị động. Công tác dự báo, cảnh báo sớm thiên tai vẫn còn hạn chế; việc thông tin cho người dân có lúc có nơi còn chưa kịp thời. Tiến độ triển khai công tác khắc phục hậu quả còn chậm và kéo dài…

Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp, Phó Trưởng ban Chỉ đạo quốc gia về PCTT nhấn mạnh một số tồn tại, hạn chế và những nhiệm vụ trọng tâm cần triển khai trong thời gian tới

Về nhiệm vụ công tác phòng chống thiên tai năm 2023, Thứ trưởng Nguyễn Hoàng Hiệp cho biết các bộ ngành, địa phương cần triển khai nghiêm túc các chỉ đạo của Trung ương, xác định công tác phòng, chống thiên tai là nhiệm vụ của cả hệ thống chính trị. Xây dựng cơ chế chính sách đặc thù để huy động nguồn lực xã hội trong ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai. Lồng ghép kế hoạch phòng, chống thiên tai vào các kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội của ngành, địa phương…

Nâng cao năng lực chất lượng cảnh báo, dự báo; năng lực cứu hộ, cứu nạn, xác định đây là nhiệm vụ chiến đấu trong thời bình. Hoàn thành xây dựng bản đồ phân vùng rủi ro thiên tai. Ưu tiên bố trí ngân sách để đầu tư nâng cấp hạ tầng phòng, chống thiên tai; nhất là hỗ trợ người nghèo xây dựng nhà ở an toàn. Đồng thời, tăng cường năng lực chỉ đạo, chỉ huy điều hành đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ trong bối cảnh thiên tai ngày một cực đoan, khó lường…

Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Lưu Quang kết luận tại Hội nghị

Trong bối cảnh thiên tai ngày càng cực đoan, bất thường, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị, sự chỉ đạo sâu sát của lãnh đạo Đảng, Nhà nước, Chính Phủ và của lãnh đạo BCĐ Quốc gia về PCTT, Lãnh đạo Ủy ban Quốc gia Ứng phó sự cố thiên tai và TKCN, sự phối hợp của các Bộ ban ngành và chủ động của địa phương, sự tham gia tích cực của người dân, cộng đồng, nhất là việc phát huy vai trò của lực lượng xung kích PCTT tại cơ sở theo phương châm 4 tại chỗ đã góp phần xây dựng và nâng cao hiệu quả công tác Phòng chống thiên tai với nhiều điểm sáng ở tất cả các lĩnh vực. Đây là một sự thay đổi toàn diện, bài bản, hướng tới sự chuyên nghiệp của lực lượng PCTT các cấp, góp phần xây dựng xã hội phát triển bền vững, an toàn trước thiên tai, tạo điều kiện phát triển bền vững kinh tế - xã hội, giữ vững an ninh, quốc phòng./.

---------------------------------------- 

[1] Bao gồm 07 cơn bão, 02 áp thấp nhiệt đới trên biển Đông; 258 trận dông, lốc, mưa lớn; 286 trận động đất; 310 trận lũ, lũ quét, sạt lở đất, 191 vụ sạt lở bờ sông, bờ biển, 02 đợt rét đậm, rét hại, 14 đợt gió mạnh, sóng lớn trên biển và 02 đợt nắng nóng, hạn hán.

[2] Mưa lớn kéo dài tại miền Bắc đã gây sạt lở đất, lũ quét khu vực miền núi, ngập lụt đô thị, khu công nghiệp; khiến các hồ chứa Sơn La, Hoà Bình, Tuyên Quang đã phải vận hành xả khi chưa vào thời kỳ mùa lũ và duy trì trong một thời gian khá dài (đây là một năm hiếm thấy kể từ khi hệ thống liên hồ chứa sông Hồng đi vào khai thác, vận hành).

[3] Trong đó, bão số 4 (Noru) đạt cường độ mạnh nhất cấp 14-15, giật cấp 17, gần đạt cấp siêu bão trên biển Đông, suy yếu nhanh và đổ bộ vào Đà Nẵng – Quảng Nam ngày 28/9 đã gây mưa rất lớn từ Thanh Hoá đến Quảng Ngãi, trong đó riêng Nghệ An mưa rất lớn từ 300-500mm, gây ngập lụt đồng bằng và lũ quét nghiêm trọng tại Kỳ Sơn. Mưa lớn sau bão số 5 gây lũ trên BĐ3 trên các sông từ Quảng Bình - Thừa Thiên Huế; ngập lụt đặc biệt nghiêm trọng có nơi tới 1,5-2,0m tại trung tâm thành phố Đà Nẵng.

  • Tiêu đề *
  • Người gửi *
  • Email *
  • Nội dung bình luận *
  • Mã bảo vệ *
  • Gửi bình luận Đóng lại

Tin tức - sự kiện

Video

Hình ảnh

Thông tin thời tiết

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phòng chống thiên tai

Tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ

PC tại nạn thương tích

Công điện

Văn bản chỉ đạo

Hoạt động của BCĐ

Văn bản pháp quy

Hợp Tác Quốc Tế

Chương trình - Kế hoạch

Đề án - Dự án

Nhu cầu - Tiềm lực

Thông tin tuyên truyền

Phổ biến kiến thức

Liên kết Website

BẢN ĐỒ GOOGLE

GOOGLE MAP

ẢNH VỆ TINH

SATELLITE IMAGE

ẢNH RA ĐA

RADA IMAGE

BẢN ĐỒ THỦY VĂN

HIDROLOGICAL IMAGE

Thống kế lượt truy cập