Bảo vệ cấp bách nguồn nước mặt tại Đồng Nai: Những biện pháp hạn chế ô nhiễm
Bảo vệ cấp bách nguồn nước mặt tại Đồng Nai: Những biện pháp hạn chế ô nhiễm
Nhằm tăng cường hiệu quả khai thác sử tài nguyên nước, bảo vệ tính toàn vẹn của dòng sông và nguồn nước, chủ động phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và giảm thiểu tác hại, khắc phục do nước gây ra, Đồng Nai đã xây dựng đề án nghiên cứu đánh giá các vấn đề liên quan đến nguồn nước của các cộng đồng trên 12 tiểu lưu vực, tăng cường các biện pháp chống thất thoát lãng phí tài nguyên nước từ các công trình khai thác, sử dụng nước; triển khai đề án bảo vệ môi trường nước, ứng phó với biến đổi khí hậu từ nay đến năm 2015 ...
* Bảo vệ các nguồn nước
Theo các nhà môi trường, để giảm thiểu ô nhiễm, cần nghiên cứu điều chỉnh quy hoạch môi trường nguồn nước mặt lưu vực sông Đồng Nai và vùng hạ lưu, tăng cường kiểm soát hệ thống chất thải ở các nhà máy, cơ sở sản xuất trong khu vực, khuyến khích các dự án sản xuất nông nghiệp sạch, hạn chế thấp nhất sử dụng thuốc bảo vệ thực vật và tăng cường công tác giám sát kiểm tra đối với các địa phương.
Hàng năm, ngành tài nguyên và môi trường thường xuyên tổ chức các đợt thanh tra kiểm tra định kỳ các điểm nóng về ô nhiễm môi trường ở các đơn vị như Nhà máy gạch men Kim Phong, Công ty TNHH AB Mauri Việt Nam, Công ty TNHH cồn Tùng Lâm, Công ty cổ phần Sonadezi Long Thành… Qua giám sát đã yêu cầu các đơn vị này khắc phục vi phạm ô nhiễm môi trường, có báo cáo kịp thời cho cấp có thẩm quyền xử lý. Đến nay đã có 57/150 cơ sở nằm trong danh sách gây ô nhiễm đã được chứng nhận hoàn thành việc khắc phục. Đối với các cơ sở còn lại không khắc phục theo đúng thời gian quy định sẽ bị ngừng hoạt động.
Trong năm 2012, Đồng Nai đã đầu tư hơn 2.000 tỷ đồng cho công tác ứng phó với biến đổi khí hậu, bảo vệ tài nguyên và môi trường trên địa bàn tỉnh. Trong đó trên 1.900 tỷ đồng cho các dự án bảo vệ môi trường lưu vực sông Đồng Nai thuộc địa bàn tỉnh; ứng phó sự cố môi trường về tràn dầu; nâng cao năng lực quan trắc môi trường trên địa bàn; nâng cao nhận thức cho cộng đồng về bảo vệ môi trường; thực hiện quy hoạch chất thải rắn đến năm 2025; dự án thoát nước và xử lý nước thải đô thị… Nguồn vốn đầu tư trên bao gồm kinh phí sự nghiệp, kinh phí xây dựng cơ bản và xã hội hóa.
Nhằm bảo vệ các nguồn nước mặt quý giá hiện có, tỉnh Đồng Nai đã tăng cường công tác quản lý nâng cao hiệu quả khai thác sử dụng tài nguyên nước, bảo vệ tính toàn vẹn của dòng sông và các nguồn nước; chủ động phòng chống suy thoái, cạn kiệt nguồn nước và giảm thiểu ô nhiễm tác hại, khắc phục hậu quả do nước gây ra trên địa bàn tỉnh.
Theo Sở TN&MT, hiện nay nước mặt ở các sông suối trên địa bàn tỉnh là nguồn nước được khai thác sử dụng nhiều nhất chủ yếu là sông Đồng Nai, sông Thị Vải, sông Đồng Tranh, hồ Trị An, hồ Gia Ui. Từ năm 2007 đến nay, UBND tỉnh đã cấp 26 giấy phép mới cho 26 đơn vị với tổng lượng nước khai thác là 211.845 m3/ngày đêm. Bộ TN&MT đã cấp 4 giấy phép cho 4 đơn vị với tổng lưu lượng khai thác trên 2 triệu m3/ngày đêm. Như vậy, tình hình khai thác trong 5 năm qua vẫn nằm trong giới hạn cho phép của tài nguyên nước. Hiện ngành tài nguyên môi trường đang duy trì mạng lưới qua trắc nước mặt tại 32 vị trí, trong đó, có 26 vị trí không ảnh hưởng triều và 6 vị trí bị ảnh hưởng triều. Ngành tài nguyên và môi trường tỉnh cũng đã thường xuyên phối hợp với các ngành chức năng tăng cường công tác quản lý, chống thất thoát, lãng phí tài nguyên nước từ các công trình khai thác, sử dụng nước đặc biệt là các công trình thủy lợi và cấp nước tập trung.
Ông Võ Văn Chánh, Phó Giám đốc Sở TN&MT Đồng Nai cho biết: Để quản lý và đánh giá các hoạt môi trường trên địa bàn tỉnh, mạng lưới quan trắc các thành phần của môi trường được xây dựng và triển khai thực hiện từ năm 1998, ban đầu chỉ thực hiện quan trắc chủ yếu 2 thành phần môi trường là nước mặt và không khí với 35 vị trí trên địa bàn tỉnh. Các vị trí quan trắc được hoàn thiện dần và đến năm 2010 toàn tỉnh đã quan trắc 263 vị trí, với 4 thành phần môi trường là nước mặt, không khí, đất và động thái nước dưới đất. Nhờ kết quả quan trắc, ngành TN&MT đã xây dựng được báo cáo hiện trạng môi trường hàng năm và 5 năm theo luật định; phát hiện và xử lý một số cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Đến nay dự án đã xây dựng và đưa vào vận hành 7 trạm quan trắc tự động. Trong 7 trạm quan trắc môi trường tự động có 4 trạm quan trắc mặt nước tự động được lắp đặt tại 4 vị trí trên sông Đồng Nai, đoạn từ hồ Trị An đến TP.Biên Hòa.
* Hạn chế ô nhiễm
Sở Tài nguyên và Môi trường Đồng Nai đã điều tra lập quy hoạch tài nguyên nước trên địa bàn tỉnh đến năm 2020 và đã được tỉnh phê duyệt. Theo mục tiêu của quy hoạch đề ra là thực hiện các giải pháp hữu hiệu để từng bước hạn chế ô nhiễm nguồn nước ở hồ Trị An và sông Đồng Nai. Xây dựng dự án nghiên cứu đánh giá tính dễ bị tổn thương gây ra bởi các vấn đề liên quan đến nguồn nước trên 12 tiểu lưu vực trong tỉnh Đồng Nai. Điều tra xác định khoanh vùng bảo hộ vệ sinh khu vực lấy nước trên địa bàn tỉnh. Điều tra nghiên cứu đánh giá mức độ bị tổn thương gây ra bởi các vấn đề liên quan đến nguồn nước qua các cộng đồng, trên 12 tiểu lưu vực trong 10 năm qua.
Theo dự án tổng thể về bảo vệ môi trường lưu vực hệ thống sông Đồng Nai trên địa bàn tỉnh đến năm 2010, định hướng đến 2020, gắn kết với Dự án Ứng phó biến đổi khí hậu giai đoạn 2010 - 2015 và định hướng đến 2020 và kế hoạch 5 năm (2011 - 2015). Thực hiện chương trình mục tiêu Quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu trên địa bàn tỉnh, trong đó tập trung tăng cường giám sát, quan trắc các nguồn thải; đẩy mạnh thanh tra, kiểm tra bảo vệ môi trường của các doanh nghiệp; áp dụng các chính sách ưu đãi, hỗ trợ đối với các dự án xử lý chất thải nhằm giảm thiểu tác động cộng hưởng của xâm nhập mặn và ô nhiễm môi trường đối với vùng bảo hộ vệ sinh cấp nước sinh hoạt trên lưu vực sông Đồng Nai (trước mắt là đoạn từ cầu Đồng Nai đến đập thủy điện Trị An và hồ Trị An).
Từng bước cải thiện chất lượng môi trường, nâng cao hiệu quả trong hoạt động quản lý môi trường. Đặc biệt là công tác quản lý nước thải tập trung của các KCN, khu đô thị và khu dân cư tập trung. Triển khai xây dựng mạng tự động quan trắc, giám sát khai thác sử dụng tài nguyên nước trên các tiểu vùng, các sông, suối chính, các hộ khai thác sử dụng nước và xã nước thải lớn như các hồ thủy điện, thủy lợi, các KCN, các đô thị… nhằm phát hiện sớm các vi phạm trong bảo vệ tài nguyên nước, các nguồn nước có nguy cơ cạn kiệt.
Theo đó, ngành tài nguyên và môi trường sẽ phối hợp với các ngành chức năng đẩy mạng công tác tuyên truyền phổ biến, tập huấn về kỹ thuật canh tác trong nông nghiệp, về quản lý dịch hại tổng hợp, về sử dụng thuốc bảo vệ thực vật, phân bón, xử lý chất thải triệt để trong nông nghiệp; kiểm tra các cơ sở kinh doanh thuốc bảo vệ thực vật trên địa bàn tỉnh... Ngoài ra, trên cơ sở quy hoạch nông nghiệp, ngành tài nguyên môi trường sẽ phối hợp với các ngành kinh tế triển khai xây dựng các công trình hồ chứa, đập dâng và trạm bơm để cấp nước phục vụ sản xuất cho các huyện.
Tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải tập trung các khu công nghiệp, đẩy mạnh việc đầu tư hệ thống xử lý nước thải của các cụm công nghiệp, đảm bảo 100% khu công nghiệp và trên 30% cụm công nghiệp đi vào hoạt động có hệ thống xử lý nước thải tập trung đạt quy chuẩn môi trường. Đầu tư lắp đặt thiết bị quan trắc tự động tại các khu công nghiệp đã lấp đầy trên 50% diện tích. Cải tạo 50% kênh mương, đoạn sông, suối chảy qua các đô thị đã bị ô nhiễm nặng.
Dự kiến đến hết năm 2012, dự án lắp đặt hệ thống quan trắc tự động nước thải tại các Khu công nghiệp trên địa bàn sẽ hoàn thành, nâng tổng số trạm quan trắc trên địa bàn toàn tỉnh lên 40 trạm. Trong đó nhà nước đầu tư 21 trạm, doanh nghiệp đầu tư 19 trạm. Kết quả quan trắc tự động sẽ thường xuyên được kiểm tra, bảo đảm độ chính xác của kết quả quan trắc để kịp thời đưa ra các cảnh báo về các nguy cơ gây ô nhiễm môi trường nước trên địa bàn.
Năm 2013, tiếp tục đầu tư xây dựng và nâng cấp hệ thống xử lý nước thải hiện có tại 17 bệnh viện, 3 Trung tâm Y tế các huyện Định Quán, Long Thành, thị xã Long Khánh, 04 Trung tâm Y tế tuyến tỉnh gồm: Trung tâm Y tế dự phòng, Trung tâm Kiểm nghiệm thuốc mỹ phẩm và thực phẩm, Trung tâm Phòng chống HIV/AIDS, Trung tâm Bảo vệ sức khỏe và môi trường và các trạm y tế xã, phường, thị trấn. nhưng năm tiếp theo sẽ đầu tư các Dự án hệ thống thoát nước và xử lý nước thải đô thị: Long Khánh, Long Thành, Dầu Giây, Long Giao, Trảng Bom, Gia Ray, Định Quán, Vĩnh An, thị tứ Túc Trưng...Triển khai xây dựng 22 trạm quan trắc giám sát chất lượng nước mặt ở các sông, suối trên địa bàn tỉnh....
Tổng kinh phí thực hiện Chương trình bảo vệ môi trường giai đoạn 2011 - 2015 theo dự toán là 6. 344 tỷ đồng (không bao gồm kinh phí thực hiện các dự án về bảo vệ môi trường theo Chương trình phát triển kết cấu hạ tầng kỹ thuật tỉnh Đồng Nai giai đoạn 2011 - 2015), trong đó: Sự nghiệp 882 tỷ đồng (chiếm 13, 9 %), xây dựng cơ bản 2.228 tỷ đồng (chiếm 35,1%), xã hội hóa 3.234 tỷ đồng (chiếm 51%).
(Nguồn: Sưu tầm)
Tin bài cùng chuyên mục
- 22/3/2013 Hội thảo ASEM về quản lý nước và lưu vực sông (22/03/2013)
- Thái Nguyên đưa vào sử dụng nhiều công trình cấp nước sạch cho người dân nông thôn (14/01/2013)
- Người dân Hòa Định Tây (Phú Yên) mong mỏi nguồn nước sạch (14/01/2013)
- Hà Nội: 21 hồ bị "xóa sổ" và hơn 150 ha diện tích mặt nước bị "bốc hơi" (14/01/2013)
- Dự án thủy điện Trung Sơn phát điện và kiểm soát lũ vùng hạ lưu sông Mã (14/01/2013)
Tin tức - sự kiện
- Xử lý hơn 1.000m3 đất đá tràn lấp mặt đường lên Cửa khẩu Cầu Treo
- Ứng phó bão số 1, hàng không đóng cửa 3 sân bay
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra chất lượng các công trình đê điều tại trước mùa mưa bão tại Thanh Hóa
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thiệt hại do thiên tai tại Xín Mần (Hà Giang)
- Lễ ký kết: Ứng phó và phục hồi sau hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
- Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.