Dự cuộc họp có ông Nguyễn Xuân Cường, Bộ trưởng Bộ NN&PTNN, Phó trưởng ban thường trực Ban chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai, Phó Trưởng Ban tiền phương; Trung tướng Nguyễn Văn Sơn, Thứ trưởng Bộ Công an; đại điện Bộ Quốc phòng, Quân khu 5, lãnh đạo TP Đà Nẵng, tỉnh Quảng Nam…
Lãnh đạo Cục Phòng chống thiên tai báo cáo công tác ứng phó với bão số 9

Theo Trung tâm dự báo Khí tượng thủy văn quốc gia, lúc 15h ngày 27/10, bão số 9 cách đất liền từ Đà Nẵng đến Quảng Ngãi khoảng 400 km. Với tốc độ trung bình 27km/h, dự kiến bão sẽ đổ bộ vào bờ từ sáng sớm 28-10. Bắt đầu từ đêm nay, hoàn lưu của bão sẽ ảnh hưởng đến các tỉnh từ Bình Định đến Đà Nẵng.

 Khi vào đất liền, bão mạnh cấp 11-12, không loại trừ cấp 13. Khu vực Cù Lao Chàm (Hộ An) và Lý Sơn (Quảng Ngãi) có thể bão cấp 13, giật cấp 13-14. Khi vào đất liền, bão suy yếu chậm, khi đến Tây Nguyên vẫn có gió mạnh cấp 8, cấp 9. Bão sẽ gây mưa 200-400mm và có khả năng lượng mưa sẽ tăng sau bão. Bão gây sóng lớn, các vùng trũng thấp ven sông sẽ ngập sâu bởi triều cường. Bão số 9 được nhận định có sức gió mạnh nhất đổ vào miền Trung trong vòng 20 năm trở lại đây, tương đương bão Xangsane năm 2006.

Ông Lê Trí Thanh, Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Nam báo cáo công tác phòng chống bão của địa phương

Ông Trần Quang Hoài, Tổng cục trưởng Cục phòng chống thiên tai cho biết: Đến 13h chiều 27/10 còn 142 tàu của ngư dân tỉnh Bình Định ở trên biển và đang thoát ra khỏi vùng nguy hiểm, còn lại tàu thuyền của các địa phương khác đều đã vào nơi an toàn. Về công tác sơ tán dân, Thừa Thiên Huế có kế hoạch sơ tán 19 ngàn hộ; TP Đà Nẵng sơ tán 140 ngàn dân; Tỉnh Quảng Nam sơ tán 42 ngàn dân; Quảng Ngãi sơ tán 94 ngàn dân; Bình Định sơ tán 96 ngàn dân; Phú Yên sơ tán 27 ngàn dân. Các tỉnh, TP sẽ sơ tán trước 18 giờ chiều nay.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng phát biểu chỉ đạo tại cuộc họp

Tại Đà Nẵng, TP đã tiến hành sơ tán dân cư theo kế hoạch. Lực lượng quân đội, Công an đã triển khai xong công tác bảo vệ doanh trại, kho tàng, các trại tạm giam, tạm giữ; sẵn sàng lực lượng cứu hộ, cứu nạn, đảm bảo ANTT, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản của nhân dân. Tại Quảng Nam,  tỉnh  đã dự trữ lương thực cho các xã có khả năng bị chia cắt do mưa bão, bao gồm Cù Lao Chàm (Hội An). Các hồ thủy điện trên địa bàn đều đã vận hành đưa mực nước về mực thấp nhất đón lũ, có thể hứng 200 triệu mét khối nước. Nếu mưa 200-300mm thì đảm bảo cắt lũ an toàn. Đến 17 giờ chiều nay, tỉnh Quảng Nam sẽ hoàn thành sơ tán dân. 

Cũng tại cuộc họp, đại diện Bộ Quốc phòng cho biết đã huy động 66 ngàn người cùng hơn 1.700 phương tiện, trang thiết bị để ứng phó với bão số 9. Trong đó, có 79 tàu lớn, 7 máy bay trực thăng và nhiều xuồng để hỗ trợ các địa phương phòng chống bão. Bộ Quốc phòng cũng sẵn sàng huy động các Quân khu 3, Quân khu 7 phối hợp cùng Quân khu 4, Quân khu 5 tham gia ứng phó trong tình huống cấp thiết.

Ban chỉ huy tiền phương kiểm tra công tác neo đậu tàu thuyền tránh bão tại âu thuyền Thọ Quang

  Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Nguyễn Xuân Cường cho biết thêm, bão số 9 là một cơn bão rất quái dị, đi cực nhanh, không giảm cấp trong quá trình di chuyển. Vì vùng ảnh hưởng của bão rất lớn nên các tỉnh Thừa Thiên Huế, Phú Yên và các tỉnh Tây Nguyên cũng phải hết sức cảnh giác. Các tỉnh Nam Trung bộ là địa phương ít kinh nghiệm đối phó với bão nên các tỉnh không được chủ quan. Các địa phương khẩn trương rà soát lại tàu thuyền đã vào bờ, sơ tán toàn bộ người dân trên vùng lồng bè, tàu vận tải vãng lai.

Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng đánh giá cao sự chuẩn bị của các địa phương để ứng phó có hiệu quả với bão số 9. Tuy nhiên, Phó Thủ tướng lưu ý không được chủ quan vì đây là cơn bão rất mạnh và đổ bộ vào miền Trung, nơi đang chịu tổn thương sau các đợt bão lũ. Phó Thủ tướng đề nghị các địa phương tiếp tục chủ động với phương châm 4 tại chỗ cùng sư hỗ trợ của trung ương như Bộ Công na, Quân đội, xây dựng, y tế… với mục tiêu cao nhất là đảm bảo an toàn tính mạng, tài sản của người dân.

Thiếu tướng Vũ Xuân Viên, Giám đốc Công an TP Đà Nẵng kiểm tra công tác ứng phó bão tại Công an xã Hòa Châu, Hòa Vang

 Phó Thủ tướng nhấn mạnh phải tập trung bảo đảm an toàn trên đất liền khi bão đổ bộ, chú trọng triển khai sơ tán dân ra khỏi khu vực nguy hiểm, nơi không an toàn; bảo đảm an toàn tại các công trình, tổ chức chằng chống nhà cửa, kho tàng, bệnh viện, trường học, công sở, các biển quảng cáo...; bảo vệ các công trình hạ tầng trọng điểm như đường dây 500kv, cơ sở sản xuất, nhà máy, xí nghiệp, khách sạn, nhà hàng... Bộ NN&PTNT, Bộ Công Thương, Bộ Xây dựng cùng với các địa phương phải rà soát tất cả các hồ, đập để kịp thời phát hiện, xử lý sự cố nếu có; đồng thời quản lý, vận hành an toàn hồ đập, đặc biệt là quy trình vận hành các hồ thủy điện…

Công an xã miền núi Hòa Phú (Hòa Vang, Đà Nẵng) chèn chống nhà cửa giúp dân

Ngay sau cuộc họp, Phó Thủ tướng Trịnh Đình Dũng và Ban chỉ đạo tiền phương đã đi khảo sát công tác phòng chống bão tại âu thuyền Thọ Quang (quận Sơn Trà, Đà Nẵng), biển Cửa Đại (Hội An, Quảng Nam) và Quảng Ngãi.