Tai nạn thương tích trẻ em có xu hướng gia tăng

Ngày đăng: 11/03/2013

Tai nạn thương tích trẻ em có xu hướng gia tăng

 

Tai nan thuong tich tre em co xu huong gia tang

(VOV) - Mỗi ngày cả nước có hơn 20 trẻ em tử vong do tai nạn thương tích, trong đó nhiều em bị thương tật, tổn thương về tâm lý vĩnh viễn. Tai nạn thương tích trẻ em đang thực sự trở thành một gánh nặng lớn của nhiều gia đình và cả cộng đồng.

 

Phòng chống tai nạn thương tích cho trẻ em đang là vấn đề được nhiều người quan tâm, nhằm bảo đảm sức khỏe cũng như trang bị ý thức bảo vệ sức khỏe của trẻ em.

Đến nay, mặc dù vừa bước vào kỳ nghỉ hè, nhưng trên địa bàn cả nước đã liên tiếp xảy ra nhiều trường hợp các em học sinh bị chết đuối. Gần đây nhất – vào ngày 29/5, tại Hà Tĩnh, một nhóm học sinh trường THCS Kỳ Tiến (xã Kỳ Tiến, huyện Kỳ Anh) rủ nhau đi tắm biển. Do sóng lớn nên 6 học sinh đã bị sóng kéo ra xa bờ và 2 em không biết bơi đã chết đuối.

Cùng ngày, tại xã Phước An, huyện Nhơn Trạch, Đồng Nai, cũng có 2 học sinh bị chết đuối do bị trượt chân xuống ao sâu. Hay như trường hợp đau lòng của cháu Nguyễn Thị Ánh Hồng, Yên Thành, Nghệ An, mới chỉ hơn 11 tháng tuổi, cháu đi xe tập đi, với tay lên bàn làm cả ấm chè xanh vừa nấu đổ cả vào người. Cháu bị bỏng độ 2 với diện tích 55% cơ thể.

Theo bác sĩ Lê Viết Phái, Trưởng khoa Phục hồi chức năng, Viện Chỉnh hình – Phục hồi chức năng, tai nạn thương tích trở thành nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em. Bác sĩ Lê Viết Phái nói: “Tai nạn thương tích ảnh hưởng cả về mặt thẩm mỹ, để lại sẹo trên cơ thể các em; nặng hơn là ảnh hưởng đến sức khỏe như bị cụt chân, cụt tay, chấn thương sọ não… Hậu quả để lại là rất lâu dài, không chỉ bản thân các em bị tổn thương cả mặt thể chất và tinh thần, khó hòa nhập cộng đồng, tương lai cũng bị ảnh hưởng; mà còn trở thành gánh nặng cho cả gia đình và xã hội”.

Theo Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội, tai nạn thương tích trẻ em ở nước ta đang có xu hướng gia tăng. Chỉ riêng năm 2007, cả nước đã có hơn 7.890 trẻ em và người chưa thành niên tuổi từ 0-19 tuổi bị tử vong do tai nạn thương tích. Tai nạn thương tích ở trẻ em thường là đuối nước, tai nạn giao thông, ngã, hóc dị vật, bỏng, bị súc vật cắn... Trong đó, tai nạn dẫn đến tử vong cho trẻ nhiều nhất là đuối nước, đặc biệt trong mùa hè, mùa lũ.

Do nhiều nguyên nhân, môi trường sống của trẻ em luôn bị đe dọa, dễ dẫn đến tai nạn. Trẻ em bị đặt vào một số nguy cơ cố hữu về môi trường, như: mạng lưới ao hồ, sông suối dày đặc; đường sá xây dựng chất lượng kém, giao thông nguy hiểm, thiếu những khu vui chơi an toàn; nguy cơ từ thuốc trừ sâu, ổ cắm điện hỏng, khu vực nấu nướng thiếu an toàn trong nhà… Bên cạnh đó, do thiếu kiến thức về các nguyên nhân và nguy cơ tai nạn thương tích trẻ em nên nhiều người, đặc biệt là cha mẹ trẻ vẫn đang đặt sự an toàn của trẻ vào rủi ro một cách vô thức.

Ngoài ra, theo ông Trần Văn Diện, Phó Trưởng phòng Chăm sóc – Bảo vệ Trẻ em, Sở Lao động – Thương binh và Xã hội tỉnh Đồng Tháp, một trong những nguyên nhân dẫn đến tình trạng tai nạn thương tích trẻ em ngày càng gia tăng là việc do hệ thống các văn bản pháp luật, tiêu chuẩn không đầy đủ và bất cập, đi kèm với việc thiếu các biện pháp triển khai thực hiện phù hợp trong lĩnh vực phòng chống tai nạn thương tích.

Ông Trần Văn Diện cho biết: “Kiến thức đúng về tai nạn thương tích trẻ em ở người dân còn hạn chế, điều này một phần cũng là do chiến dịch truyền thông làm chưa đầy đủ. Tai nạn thương tích có thể phòng ngừa được, nhưng kinh phí ở địa phương cũng hạn hẹp. Tiếp nữa, nhiều khi cơ sở sợ ảnh hưởng đến thành tích nên báo cáo tai nạn thương tích trẻ em chưa đầy đủ. Bên cạnh đó là đội ngũ cộng tác viên còn thiếu, hiện nay mỗi xã chỉ có 1 người làm nên việc theo dõi, nắm tình hình cũng khó khăn”.

Ông Nguyễn Trọng An, Phó Cục trưởng Cục Chăm sóc và Bảo vệ trẻ em, Bộ Lao động – Thương binh và Xã hội cho rằng, cần có sự phối hợp chặt chẽ hơn nữa giữa các cơ quan chính phủ, các tổ chức, đoàn thể, gia đình và nhà trường trong việc tuyên truyền, giáo dục, nâng cao nhận thức của mọi người dân để thay đổi hành vi ứng xử trong công tác bảo vệ trẻ em. Từ gia đình đến trường học và ngoài xã hội, trẻ em luôn được nhắc nhở và cảnh báo về những nguy hiểm có thể xảy ra cho bản thân mình và xây dựng ý thức phòng chống tai nạn thương tích.

Ông Nguyễn Trọng An nói: “Trước hết, vẫn phải tăng cường công tác truyền thông, giáo dục để nâng cao nhận thức, thay đổi hành vi cho mọi người dân, mà trước tiên là thay đổi nhận thức của các vị lãnh đạo của địa phương và các cơ quan ban ngành. Rà soát, bổ sung, chỉnh sửa các văn bản pháp quy liên quan đến lĩnh vực phòng chống tai nạn thương tích trẻ em để tăng cường tính hiệu quả của pháp luật. Chúng tôi đang xây dựng Kế hoạch Hành động vì trẻ em giai đoạn 2011-2020, trong đó sẽ đưa mục tiêu giảm tai nạn thương tích trẻ em vào mục tiêu phát triển kinh tế- xã hội địa phương, tạo sự cam kết một cách bền vững về nguồn lực, nhân lực, vật lực cho công tác phòng chống tai nạn thương tích trẻ em”.

Tai nạn thương tích không chỉ là nguyên nhân hàng đầu gây tử vong cho trẻ em, mà cùng với đó là rất nhiều em bị thương tật vĩnh viễn, tổn thương lâu dài về tâm lý. Phòng tránh tai nạn thương tích cho trẻ em vừa là trách nhiệm vừa là tình cảm của mỗi gia đình và toàn xã hội đối với những “tương lai của đất nước”, để trẻ em được sống, học tập và vui chơi trong ngôi nhà an toàn, trường học an toàn và cộng đồng an toàn./.

Huyền Trang

  • Tiêu đề *
  • Người gửi *
  • Email *
  • Nội dung bình luận *
  • Mã bảo vệ *
  • Gửi bình luận Đóng lại

Tin tức - sự kiện

Video

Hình ảnh

Thông tin thời tiết

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phòng chống thiên tai

Tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ

PC tại nạn thương tích

Công điện

Văn bản chỉ đạo

Hoạt động của BCĐ

Văn bản pháp quy

Hợp Tác Quốc Tế

Chương trình - Kế hoạch

Đề án - Dự án

Nhu cầu - Tiềm lực

Thông tin tuyên truyền

Phổ biến kiến thức

Liên kết Website

BẢN ĐỒ GOOGLE

GOOGLE MAP

ẢNH VỆ TINH

SATELLITE IMAGE

ẢNH RA ĐA

RADA IMAGE

BẢN ĐỒ THỦY VĂN

HIDROLOGICAL IMAGE

Thống kế lượt truy cập