Sáng tạo trong ứng phó với thiên tai tại khu vực Tây Bắc

Ngày đăng: 22/08/2021

Từ thực tế không thể ngăn lũ quét, sạt lở đất xảy ra, người dân nhiều vùng ở Tây Bắc đã chủ động, sáng tạo trong ứng phó với mưa lũ, từ đó, các thiệt hại được giảm đi rất nhiều.

4 năm trôi qua kể từ khi trận lũ kinh hoàng xảy ra đêm mùng 2, rạng sáng 3/8, nghĩ lại thời khắc nước sầm sập đổ về khiến mặt đất rung chuyển ấy, nhiều người dân ở bản Huổi Nặm, xã Nậm Păm, huyện Mường La, Sơn La thấy mình thật may mắn khi kịp chạy thoát khỏi dòng lũ dữ. Nhiều người cho biết, họ sống ở đây đã mấy chục năm, nhưng chưa thấy nước to như thế bao giờ, thấy mưa, cứ nghĩ sẽ bình thường như mọi khi, đến lúc nước to quá mới cuống quýt lên không biết phải làm gì.

Mô hình loa cầm tay trong ứng phó với mưa lũ có thể phù hợp ở nhiều xã, bản của Tây Bắc

“Đúng lúc mọi người đang hoảng loạn thì thấy trưởng bản thông báo loa là chạy nhanh lên, không lấy đồ gì, mọi người chạy lấy người thôi, thế mới biết bảo nhau chạy thật nhanh lên núi, may mà thoát được”, một người dân bản Huổi Nặm chia sẻ.

Anh Cà Văn Biên, trưởng bản Huổi Nặm, “tác giả” của những tiếng gọi từ chiếc loa cầm tay đã cứu được cả bản trong cơn “đại hồng thủy” năm ấy nhớ lại: chẳng hề nghĩ đến hiểm nguy, trong đêm tối anh chỉ biết cầm loa chạy khắp bản, kêu gọi mọi người cùng chạy nhanh lên núi, thoát khỏi dòng nước dữ.

“Lúc ấy chỉ nghĩ phải làm cách nào thông báo cho mọi người cùng chạy nhanh nhất, chứ không kịp suy nghĩ nhiều. Sau khi tôi thông báo loa thì bà con bắt đầu chạy nhanh nhất có thể, mọi người vừa chạy vừa khóc, lúc đấy nước cũng ngập đến trên đầu gối. Đến khoảng 5h sáng, tôi cùng đồng chí công an viên và đồng chí dân quân đi dọc theo bản để hỏi xem có ai bị mất người để còn tìm kiếm, thì được mọi người báo là không có ai bị mất”- anh Cà Văn Biên cho biết.

Cần ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống thiên tai ở Tây Bắc, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất để thông tin được lan tỏa nhanh, từ đó giảm thiểu thiệt hại

Theo ông Nguyễn Văn Tâm, Phó Chủ tịch UBND huyện Mường La, tỉnh Sơn La, chính sự sáng tạo, dũng cảm vì cộng đồng của anh Cà Văn Biên đã giúp hàng trăm người kịp chạy thoát; cả bản chỉ có 1 người bị thương. Chiếc loa cầm tay vốn được huyện trang bị, chủ yếu để các trưởng bản thông báo khi họp bản. Thế nhưng, trong trận lũ lịch sử xảy ra hôm ấy, trưởng bản Huổi Nặm Cà Văn Biên đã rất sáng tạo khi dùng chiếc loa này chạy khắp bản thông báo về sự nguy hiểm để bà con kịp chạy thoát thân.

Ông Nguyễn Văn Tâm khẳng định, hiệu quả thực tế tại Nậm Păm cho thấy, mô hình loa cầm tay trong ứng phó với mưa lũ có thể phù hợp với nhiều xã, bản ở các địa phương Tây Bắc và rất cần được nhân rộng.

“Khi lũ ống lũ quét xảy ra thì toàn bộ hệ thống thông tin liên lạc đều bị ách tắc, lúc đó chỉ còn loa cầm tay là cái duy nhất để bà con có thể thông báo cho nhau để biết lên chỗ cao nhất để tránh nạn. Sau trận lũ ở Nậm Păm, tỉnh và trung ương cũng đã thấy tác dụng của loa cầm tay và đó có thể là kịch bản để áp dụng vào thực tiễn trong phòng chống thiên tai ở miền núi”, ông Tâm nói. 

Chiếc búa đinh trong tay anh Vù A Chả - Trưởng thôn Nà Lặc, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai gõ từng hồi vào chiếc kẻng sắt treo cuối vườn nhà trong một buổi diễn tập đầu mùa mưa năm 2021. Đây là tín hiệu kẻng được thiết lập riêng phòng khi có thiên tai cần báo động và việc này sẽ được duy trì như một biện pháp hữu hiệu khi bất trắc xảy đến. Anh cho biết: gõ một hồi dài là thiên tai, còn lại trộm cắp, cướp tài sản thì gõ 2 hồi. Khi sắp có mưa lũ lớn là chúng tôi gõ kẻng thông báo đến người dân, gia đình nào có người đi làm nương chưa kịp về chẳng hạn thì cũng báo lại cho chúng tôi để có hỗ trợ kịp thời.

Theo ông Vũ Khắc Trọng, Chỉ huy trưởng Quân sự xã Trịnh Tường, kiêm Đội trưởng xung kích phòng chống thiên tai xã, từ những mất mát sau trận lũ lịch sử năm 2008 đến nay, người dân Trịnh Tường không còn thờ ơ trước thiên tai. Nhưng để có sự đồng bộ, chủ động trong tổ chức phòng, chống tại chỗ như hiện tại phải nhờ vào dự án mô hình cộng đồng phòng, chống thiên tai áp dụng tại địa phương này vào năm 2019. Theo đó, nội dung cốt lõi của dự án là thay đổi tư duy và hướng dẫn kĩ năng phòng, chống tại chỗ theo kiểu “cầm tay chỉ việc” cho chính quyền và nhân dân địa phương.

“Trước kia thành viên Đội xung kích phòng chống thiên tai của xã chủ yếu là dân quân. Còn khi có dự án nhiều thành viên tham gia hơn, từ trưởng thôn, công an viên, dân quân, trưởng ban công tác mặt trận,… Hàng năm đều được tập huấn, huấn luyện những động tác cụ thể, cơ bản nhất như hướng dẫn cách xác định được khi nào xảy ra thiên tai, sạt lở, lũ ống, cách dựng lều bạt cơ bản nhất, cách sơ cứu, vận chuyển người”, ông Trọng cho biết.

Có thể thấy, so với nhiều công trình hạ tầng phòng, chống thiên tai đòi hỏi vốn đầu tư lớn, làm đau đầu các nhà quản lý thì việc xây dựng những hàng rào mềm từ ý thức tự bảo vệ ngay tại cộng đồng rõ ràng tiết kiệm và hiệu quả hơn. Sau mô hình thí điểm ở Trịnh Tường, trước mắt Lào Cai sẽ nhân rộng sang 5 xã khác trong năm 2021.

Tại Yên Bái, một cách làm mới được áp dụng và đã cho những hiệu quả bước đầu – đó là ứng dụng công nghệ thông tin vào phòng chống thiên tai, nhất là lũ ống, lũ quét, sạt lở đất.

Anh Vù A Chả - Trưởng thôn Nà Lặc, xã Trịnh Tường, huyện Bát Xát, Lào Cai gõ kẻng báo động trong một buổi tập

Theo ông Trần Anh Văn, Phó Chi cục trưởng Chi cục Thủy lợi tỉnh Yên Bái: Thực tiễn cho thấy, trước thiên tai, nếu làm tốt khâu dự báo, cảnh báo thì thiệt hại sẽ giảm rất nhiều. Lâu nay, việc này vẫn được đơn vị triển khai qua các phương tiện truyền thống như báo chí, loa đài, hay tuyên truyền miệng… Từ khi nhận thấy việc đăng tải thông tin trên các mạng xã hội đảm bảo được tính nhanh nhạy, kịp thời hơn, thì hai ba năm nay, đơn vị cũng đã tận dụng thêm môi trường này để lan tỏa thông tin đến người dân một cách nhanh nhất, bởi theo tính toán, mỗi bản tin chỉ cần có 300 người theo dõi, thì sau đó sẽ lan tỏa đến hàng chục nghìn người khác…

“Khi mà nhận được những thông tin cảnh báo về diễn biến thời tiết phức tạp của Ban Chỉ huy phòng chống thiên tai của tỉnh thì ngay sau đó huyện, xã đã tiếp cận được thông qua nhóm zalo để truyền tải toàn bộ thông tin xuống xã, thôn. Đồng thời đưa những thông tin, hình ảnh về thiệt hại tại thôn, bản ngược lên xã, lên huyện, lên tỉnh để nắm bắt kịp thời”, ông Văn nói.

Chủ động, sáng tạo trong ứng phó là giải pháp được người dân Tây Bắc chú trọng nhằm giảm thiểu thiệt hại do thiên tai. Thực tế cũng cho thấy, ở nơi nào người dân chủ động, sáng tạo trong ứng phó với mưa lũ, kết hợp bảo vệ rừng tốt thì thiệt hại được giảm đi rất nhiều.

Tuy nhiên, để thực sự an toàn trong mỗi mùa mưa lũ, thì sáng tạo, chủ động ứng phó thôi chưa đủ, mà điều quan trọng nhất là cần phải chủ động làm giảm các nguy cơ./.

  • Tiêu đề *
  • Người gửi *
  • Email *
  • Nội dung bình luận *
  • Mã bảo vệ *
  • Gửi bình luận Đóng lại

Tin tức - sự kiện

Video

Hình ảnh

Thông tin thời tiết

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phòng chống thiên tai

Tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ

PC tại nạn thương tích

Công điện

Văn bản chỉ đạo

Hoạt động của BCĐ

Văn bản pháp quy

Hợp Tác Quốc Tế

Chương trình - Kế hoạch

Đề án - Dự án

Nhu cầu - Tiềm lực

Thông tin tuyên truyền

Phổ biến kiến thức

Liên kết Website

BẢN ĐỒ GOOGLE

GOOGLE MAP

ẢNH VỆ TINH

SATELLITE IMAGE

ẢNH RA ĐA

RADA IMAGE

BẢN ĐỒ THỦY VĂN

HIDROLOGICAL IMAGE

Thống kế lượt truy cập