Sẵn sàng “đón” siêu bão Haiyan
Sẵn sàng “đón” siêu bão Haiyan
“Các lực lượng Quân đội, Công an, lực lượng thanh niên trên tinh thần 4 tại chỗ sẵn sàng ứng cứu. Nếu cần thiết vì tính mạng của người dân thì yêu cầu cưỡng chế người dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo tính mạng” - Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, đối với các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Trước tính chất nguy hiểm của siêu bão Haiyan, ngày 9/11, các đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải và Bộ trưởng Bộ NN&PTNN Cao Đức Phát phụ trách đã khẩn trương có mặt tại các tỉnh miền Trung để kiểm tra và chỉ đạo công tác ứng phó với cơn bão này...
Đoàn công tác đã kiểm tra trực tiếp công tác ứng phó với bão Haiyan tại các địa bàn xung yếu và công trình quan trọng của tỉnh Quảng Ngãi, gồm Nhà máy lọc dầu Dung Quất, cảng Dung Quất và Nhà Văn hoá huyện Bình Sơn- nơi có 8.000 người dân đang trú tránh bão.
Đối phó với cơn bão số 14, Nhà máy Lọc dầu Dung Quất đã tổ chức trực 24/24h, quyết tâm giảm thiểu thấp nhất thiệt hại của công trình trọng điểm quốc gia này. Bên cạnh đó, nhà máy cũng đã chuẩn bị lương thực thực phẩm, trang thiết bị y tế, sẵn sàng trợ giúp những hộ dân trong khu vực 4 xã gần nhà máy.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc yêu cầu Quảng Ngãi phải khẩn trương hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm, quyết tâm đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, đảm bảo lương thực, nước uống và các vật dụng cần thiết phục vụ nhu cầu thiết yếu của người dân tại các điểm tập trung.
Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc kiểm tra công tác phòng, chống bão tại cảng Dung Quất. Ảnh: Anh Thư.
Tại Quảng Nam, đoàn công tác của Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã kiểm tra công tác phòng chống bão tại cửa biển Duy Thành, huyện Duy Xuyên, công trình cầu Cửa Đại bắc qua sông Thu Bồn và đô thị cổ Hội An. Phó Thủ tướng yêu cầu đơn vị thi công phải lập tức hạ các cần cẩu tại các công trình xây dựng để bảo vệ tối đa tính mạng, tài sản của nhà nước và nhân dân.
Về vấn đề xả lũ của các hồ chứa nước thuỷ điện đang gây lo lắng và bức xúc cho người dân Đại Lộc, Điện Bàn, Hội An, Phó Thủ tướng chỉ đạo các nhà máy thuỷ điện phải thực hiện nghiêm túc quy trình xả lũ, phải đặt tính mạng và tài sản của nhân dân lên hàng đầu.
Tại cuộc họp kéo dài đến 17h30 cùng ngày tại Bộ Tư lệnh Quân khu 5, Phó Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc chỉ đạo các Bộ, ngành, các địa phương phải thực hiện 9 nhiệm vụ trọng tâm. Đặc biệt, phải kiên quyết di dời dân khỏi vùng nguy hiểm trước 19h ngày 9/11, kiên quyết đưa ngư dân và các thuỷ thủ còn ở trên tàu thuyền lên bờ và đến nơi an toàn, cần thiết cưỡng chế hành chính, không được để người dân trong hoàn cảnh nguy hiểm.
Trước tính cấp bách, khẩn trương khi bão Haiyan sắp đổ bộ, Phó Thủ tướng yêu cầu tất cả các lực lượng, các địa phương phải khẩn trương hơn nữa, quyết liệt hơn nữa, nêu cao tinh thần trách nhiệm hơn trước nhân dân, trước nhà nước. Quyết tâm đảm bảo an toàn tính mạng của nhân dân, tuyệt đối không được chủ quan, lơ là.
Một hộ dân ven biển Quảng Nam tháo dỡ nhà tạm để đảm bảo an toàn. Ảnh: A.Khang.
Cũng trong sáng 9/11, Đoàn công tác của Chính phủ do Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc dẫn đầu đã đi kiểm tra công tác phòng chống cơn bão Haiyan tại tỉnh Quảng Ngãi. Đại diện lãnh đạo Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn đã báo cáo, công tác đối phó với siêu bão Haiyan đã được Công ty Lọc hóa dầu Bình Sơn triển khai một cách nghiêm túc. Công ty đã bố trí lực lượng, phương tiện, thiết bị để đối phó với bão và phòng chống tràn dầu. Đồng thời chuẩn bị phương án vận hành Nhà máy lọc dầu Dung Quất trong điều kiện bão lớn như giảm công suất, dừng nhà máy và sơ tán lực lượng.
Ngoài việc triển khai công tác phòng chống bão, Công ty cũng đã triển khai bố trí phương tiện giúp di dời dân vùng nguy hiểm đến nơi an toàn. Khi cần thiết sẽ bố trí cho người dân đến trú bão tại nhà máy.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý tỉnh Quảng Ngãi phải triển khai các phương án một cách khẩn trương, quyết liệt và không được chủ quan. Trước hết là phải kịp thời hướng dẫn các tàu thuyền đang còn hoạt động trên biển tìm nơi tránh trú an toàn.
Đối với các tàu cá chưa xác định được cụ thể vị trí cần phải liên tục liên lạc, thông tin và hướng dẫn ngư dân tránh trú, neo đậu an toàn. Khi tàu thuyền đã vào bờ thì cần phải tuyên truyền vận động ngư dân lên bờ không ở dưới phương tiện để tránh va đập gây thương vong. Kiên quyết di dân khỏi vùng nguy hiểm nhất là các ngôi nhà cấp 3, cấp 4 không kiên cố ở đảo Lý Sơn, vùng ven biển, khu vực bị ngập úng.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đồng ý phương án của Quân khu 5 là mở cửa các khu vực quốc phòng để có thể di chuyển người dân vào tạm trú khẩn cấp khi bão đổ bộ vào. Hướng dẫn, vận động người dân chằng chống nhà cửa, các công trình một cách quyết liệt để giảm thiệt hại. An toàn tính mạng cho người dân là ưu tiên hàng đầu mà tỉnh Quảng Ngãi cần tập trung thực hiện trước khi bão đổ bộ đến. Các cấp ủy chính quyền, các đoàn thể, đặc biệt lực lượng Công an, Quân đội đi sát dân nữa để thực hiện chủ trương này.
“Các lực lượng Quân đội, Công an, lực lượng thanh niên trên tinh thần 4 tại chỗ sẵn sàng ứng cứu. Nếu cần thiết vì tính mạng của người dân thì yêu cầu cưỡng chế người dân ra khỏi vùng nguy hiểm để đảm bảo tính mạng”, Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc lưu ý, đối với các công trình trọng điểm quốc gia, đặc biệt là Nhà máy Lọc dầu Dung Quất, phải đảm bảo an toàn tuyệt đối.
Sau khi làm việc với lãnh đạo tỉnh Quảng Ngãi, Phó Thủ tướng Chính phủ và đoàn công tác đã đi kiểm tra công tác phòng chống bão tại cảng Dung Quất. Tại đây, Phó Thủ tướng chỉ đạo cần tháo dỡ và hạ thấp một số phương tiện và thiết bị tại cảng để đảm bảo an toàn tối đa khi bão vào.
Phó Thủ tướng Chính phủ cũng đã dành thời gian đi kiểm tra công tác di dời dân tại xã Bình Hải, huyện Bình Sơn. Thăm những hộ dân đã di dời đến Trung tâm văn hóa Vạn Tường, Phó Thủ tướng đã động viên bà con yên tâm ở nơi trú ẩn an toàn, không được về nhà khi bão chưa tan. Đồng thời yêu cầu địa phương đảm bảo lương thực, thực phẩm, nước uống cho người dân trong thời gian tránh trú bão.
Phó Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc cũng nhắc nhở tỉnh Quảng Ngãi cần chú ý đến lũ lụt sau bão, phải có phương án lo cho dân, không để dân đói, bệnh tật, bị đuối nước chết người.
Trước tốc độ di chuyển và sự tàn phá kinh hoàng của “siêu bão” Haiyan tại miền Trung Philippines, Phó Thủ tướng Hoàng Trung Hải yêu cầu Ban Chỉ huy PCLB&TKCN tỉnh Thừa Thiên-Huế, lực lượng Công an, Bộ đội biên phòng (BĐBP) và chính quyền địa phương tích cực phối hợp, khẩn trương di dời gần 3.500 hộ dân, với 11.042 nhân khẩu, nằm tại các vùng ven biển, trũng thấp, vùng nguy cơ sạt lở của tỉnh đến nơi an toàn để trú bão.
Phó Thủ tướng nhấn mạnh: “Bằng mọi giá, phải bảo vệ được tính mạng cho người dân khi bão đổ bộ”.
Đến 12h cùng ngày, mọi công tác chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền để sẵn sàng ứng phó bão số 14 của người dân trên địa bàn tỉnh Thừa Thiên - Huế đã hoàn tất.
Đại tá Lê Quốc Hùng, Phó Giám đốc Công an tỉnh Thừa Thiên – Huế cho biết, lực lượng Công an toàn tỉnh đã được triển khai về vùng xung yếu, thấp trũng, hộ dân vạn đò, các hộ gia đình neo đơn, già yếu nhà cửa tạm bợ để di dời dân; đồng thời, chuẩn bị các phương án cứu hộ cứu nạn, chuẩn bị lương thực, thực phẩm, thuốc chữa bệnh… khi bão đổ bộ vào cũng như khi xảy ra lũ lụt sau bão. Ngoài cán bộ chiến sĩ được phân công bám nắm địa bàn giúp dân, Công an tỉnh cũng đã có kế hoạch bố trí 350 quân thuộc các lực lượng cơ động, đặc nhiệm, phương tiện, sẵn sàng cơ động cứu hộ, cứu nạn khi có yêu cầu.
Công an tỉnh Thừa Thiên - Huế giúp ngư dân Phú Hải làm cột neo đậu tàu thuyền.
Ngư dân xã Phú Thuận, huyện Phú Vang, đưa tàu thuyền vào nơi tránh bão an toàn. Ảnh: Lê Anh.
Đối với tuyến giao thông đường thủy, ngay trong sáng 9/11, CSGT đường thủy đã dùng loa tuyên truyền cho các hộ dân sống trên sông Hương và các phương tiện du lịch (thuyền rồng) tìm nơi neo đậu an toàn. Không cho hoạt động hành khách tại các tuyến đò trên phá Tam Giang, đầm Cầu Hai; các tuyến đò ngang ở Hương Thọ (thị xã Hương Trà), Phú Mậu (Phú Vang)… Lưu ý không để người dân ở lại tàu, thuyền khi bão đổ bộ vào đất liền. Trên tuyến đường sắt, Công an đã phối hợp với ngành Đường sắt bố trí một đơn vị cơ động, sẵn sàng ứng cứu trên toàn tuyến đường sắt qua Thừa Thiên-Huế khi có sự cố.
Tại Quảng Trị, sau kiểm tra công tác phòng, ứng phó với siêu bão 14 ở tỉnh Thừa Thiên – Huế, Phó Thủ tướng Chính phủ Hoàng Trung Hải và đoàn công tác đã có mặt tại các xã biển Hải Khê, huyện Hải Lăng; Triệu An, Triệu Vân, huyện Triệu Phong, Quảng Trị. Phó Thủ tướng yêu cầu các cấp chính quyền, lãnh đạo các lực lượng vũ trang phải hết sức ráo riết, tích cực phòng, đối phó với siêu bão Haiyan, đặc biệt là việc giúp đỡ nhân dân chằng chống nhà cửa, neo đậu tàu thuyền đảm bảo, vững chắc, di dời những hộ dân có nhà ở tạm bợ, cấp 4 đến các nơi có nhà cửa, công sở kiên cố để trú tránh bão.
Sau kiểm tra công tác phòng, ứng phó với bão ở các địa phương trên, Phó Thủ tướng và đoàn công tác đã có buổi làm việc với lãnh đạo Tỉnh ủy và UBND tỉnh Quảng Trị về việc tăng cường công tác chuẩn bị, phương án ứng phó kịp thời khi bão 14 đổ bộ, đảm bảo tính mạng người dân và hạn chế thấp nhất thiệt hại về tài sản. Cùng ngày, các đơn vị Công an trong tỉnh đã tổ chức di dời gần 400 hộ dân có nhà ở tạm bợ, cấp 4 thiếu an toàn đến các ngôi nhà kiên cố, công sở, trường học để trú tránh bão.
Tại TP Đà Nẵng, từ ngày 7/11, Thiếu tướng Nguyễn Văn Sơn – Giám đốc Công an TP Đà Nẵng đã chỉ đạo CBCS toàn lực lượng tập trung xuống các địa bàn xung yếu, vùng ven biển phối hợp với Công an các quận, huyện và lực lượng Quân đội, Bội đội Biên phòng, bảo vệ dân phố… giúp dân chằng chống nhà cửa; khiêng, chuyển thuyền nhỏ ngư dân vào sâu đất liền đến vị trí an toàn để tránh sóng biển cuốn trôi; di dời dân tại các khu nhà tạm, nhà cấp 4 không an toàn trong gió bão… đến nơi trú ẩn an toàn. Đồng thời, bám sát địa bàn đảm bảo ANTT; không để kẻ gian lợi dụng trộm cắp tài sản của nhân dân.
Công an TP Đà Nẵng cùng lực lượng dân quân giúp ngư dân đưa tàu, thuyền nhỏ vào sâu đất liền tránh sóng biển cuốn trôi trong bão. Ảnh: Long Vân.
Người dân ven biển TP Đà Nẵng lấy cát vào bao chần mái nhà chống bão. Ảnh: Long Vân.
Thượng tá Phan Ngọc Truyền, Phó trưởng Công an quận Sơn Trà cho biết: “Ngay khi có lệnh của Giám đốc Công an thành phố, Công an quận đã tăng cường cán bộ, chiến sĩ xuống các phường ven biển, như: Thọ Quang, Mân Thái, Nại Hiên Đông, Phước Mỹ phối hợp cùng dân quân, dân phòng giúp dân chống bão, bám trụ trực chiến bảo vệ tài sản cho các hộ gia đình khi sơ tán tránh bão”…
Tại Nghệ An, ngày 9/11, Chủ tịch UBND tỉnh Nghệ An đã chỉ đạo các sở, ban, ngành, cơ quan, đơn vị trên địa bàn tập trung cao độ việc phòng chống bão số 14. Tại các vùng ven biển như Cửa Lò, Diễn Châu, Quỳnh Lưu... gần 30.000 hộ dân đã được sơ tán tránh bão.
Theo chỉ đạo của tỉnh Nghệ An, đến 16 giờ chiều 9/11, công tác phòng chống bão số 14 phải được hoàn tất trên địa bàn. Lực lượng Công an, Quân đội ứng trực 100% quân số, đồng thời lực lượng vũ trang được chuyển về các địa phương giúp dân chống bão.
Tại Hà Tĩnh, 14.000 hộ với hơn 50.000 người dân đã được di chuyển để tránh, trú siêu bão Haiyan. Theo chỉ đạo của UBND tỉnh, trước 17 giờ ngày 9-11, tất cả người dân vùng ven biển, cửa sông, cửa lạch ở các huyện Nghi Xuân, Lộc Hà, Thạch Hà, Cẩm Xuyên, Kỳ Anh và thành phố Hà Tĩnh phải di dời đến nơi an toàn.
Với việc di chuyển tránh trú bão với số lượng lớn người dân, Hà Tĩnh đã huy động nhiều lực lượng như Quân đội, Công an, Đoàn viên thanh niên giúp dân tránh bão. Tỉnh Hà Tĩnh cũng đã chỉ đạo các đơn vị chức năng tập trung gia cố hồ, đập đề phòng bị vỡ trong bão. Các cơ quan, đơn vị đều tập trung chằng chéo nhà cửa, phòng làm việc, bảo vệ tài sản nhà nước khi bão đổ bộ vào. Trưởng đoàn kiểm tra chỉ đạo công tác phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn tỉnh Hà Tĩnh đã chỉ đạo các địa phương di dời dân đúng thời gian quy định và không được để dân quay lại khi bão chưa tan.
Tại Quảng Bình, ngay từ 14 giờ chiều 9/11, toàn bộ lực lượng Công an tỉnh Quảng Bình đã được triển khai xuống các địa bàn giúp dân phòng chống bão số 14. Thiếu tướng Từ Hồng Sơn - Giám đốc Công an tỉnh cho biết, Công an tỉnh phân công mỗi xã trên địa bàn tỉnh Quảng Bình có 2 đến 3 đồng chí Công an được tăng cường về để phối hợp với Công an địa bàn bảo đảm an ninh, tài sản cho nhân dân. Đồng thời Công an tỉnh xuất toàn bộ phương tiện canô, xuồng máy, xe của đơn vị về các địa bàn để sẵn sàng di dời dân và cứu nạn, cứu hộ khi bão đổ bộ vào.
Ban Giám đốc Công an tỉnh phân công mỗi đồng chí về một địa bàn để chỉ đạo công tác phòng, chống bão. Hiện phạm nhân ở một số huyện như Lệ Thuỷ, Bố Trạch... được chuyển lên Trại tạm giam Công an tỉnh để bảo đảm an toàn tính mạng cho các phạm nhân. Hiện toàn bộ người dân Quảng Bình đang tập trung chằng chéo nhà cửa để chống bão.
Thủ tướng Chính phủ chỉ đạo đối phó với siêu bão PV (tổng hợp) |
Theo CAND online.
Tin bài cùng chuyên mục
- Cảnh báo Bắc bộ và Trung bộ có mưa dông diện rộng (29/03/2024)
- Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 15/7/2023 (16/07/2023)
- Chủ động ứng phó với diễn biến áp thấp nhiệt đới gần Biển Đông (15/07/2023)
- Sẵn sàng cho công tác phòng, chống thiên tai, quản lý, bảo vệ đê điều và hộ đê năm 2023 (27/06/2023)
- Sẵn sàng ứng phó với các loại hình thiên tai, sự cố (27/06/2023)
- Kiểm tra công tác phòng chống thiên tai tại Hải Phòng và Quảng Ninh (02/08/2019)
- BẢN TIN THIÊN TAI NGÀY 1/7 (02/07/2019)
- Sập tường tại Ấn Độ vùi lấp hàng chục người dân (02/07/2019)
Tin tức - sự kiện
- Xử lý hơn 1.000m3 đất đá tràn lấp mặt đường lên Cửa khẩu Cầu Treo
- Ứng phó bão số 1, hàng không đóng cửa 3 sân bay
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra chất lượng các công trình đê điều tại trước mùa mưa bão tại Thanh Hóa
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thiệt hại do thiên tai tại Xín Mần (Hà Giang)
- Lễ ký kết: Ứng phó và phục hồi sau hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
- Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.