Nỗi lo sạt lở đất đồi, khe suối ở miền núi ở tỉnh Thừa Thiên Huế

Ngày đăng: 05/12/2024

Tỉnh Thừa Thiên Huế có 2 huyện miền núi là Nam Đông và A Lưới. Đây là 2 địa phương thường xuyên được cảnh báo về nguy cơ cao sạt lở đất, lũ quét tại nhiều khu vực thôn xóm, khe suối, đường sá mỗi khi mùa mưa bão đến.


Hơn 20 năm sinh sống tại thôn Phú Hòa, xã Hương Phú, huyện Nam Đông, ông Dương Sang và người nhà chưa bao giờ cảm thấy bất an, lo lắng về tình trạng sạt lở khe suối ngay sau lưng nhà mình như thời gian gần đây.

Ông Sang cho biết, cứ vào mùa mưa nước lũ đổ về cuồn cuộn và dâng cao trong nhiều giờ đồng hồ đã gây ra tình trạng sạt lở đất bờ sông, suối, đất đồi nghiêm trọng tại gần khu vực gia đình anh và nhiều hộ dân sinh sống. Mỗi năm, mức độ ảnh hưởng càng nặng hơn, điểm sạt lở hiện chỉ còn cách vườn nhà dân từ 5-6 mét.

“Trong nhiều lần tiếp xúc cử tri, tôi và một số bà con ở đây cũng đã nêu kiến nghị đến cơ quan chức năng về tỉnh trạng sạt lở đất trong thôn, nhưng đến nay vẫn chưa có kết quả”, ông Sang cho biết thêm. Để ứng phó với sạt lở, người dân ở đây đã đóng cọc tre, cọc gỗ gia cố ở các khu vực nguy hiểm và trồng tre tại những điểm sạt lở nặng.

Hiện trường vụ sạt trượt mái cao tốc La Sơn – Túy Loan vào chiều 25/11 vừa qua.

Theo ông Trần Văn Quang, Bí thư Đảng ủy, Chủ tịch UBND xã Hương Phú, tình trạng sạt lở xảy ra tại nhiều thôn của xã chứ không riêng gì thôn Phú Hòa. Nguy cơ sạt lở trên địa bàn xã không chỉ ở khu vực khe suối, mà nguy hiểm hơn là sạt lở đồi núi. Đây là vấn đề được chính quyền xã và huyện Nam Đông đặc biệt quan tâm. Nhiều hộ dân ở trong vùng sạt lở của xã Hương Phú mong được Nhà nước di dời dân, xây dựng các khu tái định cư mới để người dân an cư mỗi khi mùa mưa bão về.

Không chỉ tại xã Hương Phú, hiện trên địa bàn huyện Nam Đông có hàng trăm hộ dân nằm trong vùng nguy cơ cao sạt lở đất phải di dời mỗi khi có mưa dài ngày. Trong đó, vùng nguy hiểm nhất là ở thôn Lập, xã Thượng Nhật với hơn 70 hộ dân luôn đối diện với nguy hiểm sạt lở. Bên cạnh đó, hàng chục nhà dân cùng nhiều công sở, cơ quan làm việc tại tổ dân phố 2, thị trấn Khe Tre cũng nằm trong vùng nguy cơ xảy ra sạt lở đất vào mùa mưa lũ… Chiều 25/11 vừa qua đã xảy ra sạt trượt cao tốc La Sơn – Túy Loan khiến hơn 21.000 m3 đất đá tràn xuống đường. Khu vực sạt trượt thuộc địa phận thị trấn này.

Cũng trong những ngày qua, đoạn bờ sông Tả Trạch chạy qua địa bàn xã Hương Sơn, huyện Nam Đông càng lúc càng sạt lở nghiêm trọng. Tại đây, nham nhở các điểm sạt lở, tiến sát vào vườn nhà dân đe dọa nhiều diện tích rừng kinh tế. Ông Trần Xuân Ngọc, một hộ dân sống gần khu vực cầu Hương Sơn cho biết, kể từ mùa mưa lũ năm 2020, bờ sông Tả Trạch sạt lở mạnh hơn, nhiều diện tích đất vườn của người dân đã bị sông “nuốt”.

Theo UBND xã Hương Sơn, toàn tuyến sông Tả Trạch đi qua xã sạt lở nhiều điểm với chiều dài khoảng 2.500m. Nguyên nhân là do xã Hương Sơn nằm ở thượng lưu hồ Tả Trạch, vào mùa mưa lũ, khi hồ tích khiến nước dâng, trong khi đó phía trên thủy điện Thượng Nhật điều tiết lưu lượng hoặc xả lũ khiến dòng chảy mạnh, gây sạt lở hai bên bờ…

Để ứng phó với tác động nguy hiểm của tình trạng sạt lở đồi núi, bờ sông, bờ suối; Phòng NN&PTNT huyện Nam Đông đã rà soát, xác định và thường xuyên cảnh báo các khu vực có nguy cơ cao sạt lở, thống kê từng hộ dân vùng ảnh hưởng để đưa ra những biện pháp bảo vệ người và tài sản.

Tương tự huyện Nam Đông, tại huyện A Lưới, nỗi lo sạt lở đất khiến nhiều hộ dân luôn sống trong cảnh thấp thỏm. Đã gần 10 ngày trôi qua, ông Trần Văn Khưa (ở trú thôn Liên Hiệp, xã Lâm Đớt, huyện A Lưới) vẫn chưa hết bàng hoàng sau trận lở đất do đợt mưa lớn vừa qua. Theo đó, tối 24/11, ngọn đồi phía sau nhà ông Khưa sạt lở khiến một lượng lớn đất đá tràn vào vùi lấp ngôi nhà của ông.

Ông Khưa cùng vợ bị thương và được lực lượng chức năng đưa đi sơ cứu tại Trạm Y tế, 6 thành viên còn lại trong gia đình may mắn thoát nạn, được các lực lượng đưa đến trú tránh tại nhà người thân. Sau khi sạt lở xảy ra, chính quyền địa phương, các lực lượng Đoàn Kinh tế - Quốc phòng 92 của Quân khu 4, Bộ đội Biên phòng hỗ trợ dựng ngôi nhà tạm trong vườn nhà để 8 người gia đình ông Khưa có chỗ trú tạm.

Hiện trên địa bàn xã Lâm Đớt xuất hiện 7 điểm nguy cơ sạt lở núi, ảnh hưởng nhiều hộ dân nên mỗi lần có dự báo mưa lũ, chính quyền nhanh chóng kiểm tra, lên phương án di dân đến nơi an toàn.

Ông Hồ Chính Bê, Chủ tịch UBND xã Lâm Đớt cho biết, địa bàn xã Lâm Đớt trải dài từ ngã ba A Đớt đến Đồn Biên phòng Cửa khẩu A Đớt. Theo quan trắc, nhiều vị trí nguy cơ sạt lở. “Chúng tôi sẵn sàng phương án, đề án liên quan, khi mưa bão xảy ra, chúng tôi đến từng hộ gia đình để di dời bà con lánh tạm đến các nhà thôn, các trường học”, ông Bê thông tin thêm.

Tình trạng sạt lở đất đồi núi tại huyện miền núi A Lưới thường xuyên được cảnh báo trước mỗi đợt mưa lớn dài ngày, do đất no nước, dễ gây sạt lở. Các điểm nguy cơ sạt lở tập trung dọc quốc lộ 49A đoạn qua xã: Hồng Hạ, Hương Nguyên, Phú Vinh, Sơn Thủy, Lâm Đớt và khu vực đèo A Co, dọc đường Hồ Chí Minh.

Tuy nhiên, sạt lở đất luôn xảy ra bất ngờ, gây ra những thiệt hại, nguy cơ ảnh hưởng tính mạng, dù người dân có chủ động đề phòng, thường xuyên kiểm tra khu vực đồi núi quanh nhà trong mỗi đợt mưa bão. Bên cạnh đó, tình trạng sạt lở sông suối trên địa bàn huyện A Lưới cũng trở nên nghiêm trọng hơn sau các đợt mưa lớn gần đây, đe dọa tính mạng và tài sản của người dân.

  • Tiêu đề *
  • Người gửi *
  • Email *
  • Nội dung bình luận *
  • Mã bảo vệ *
  • Gửi bình luận Đóng lại

Tin tức - sự kiện

Video

Hình ảnh

Thông tin thời tiết

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phòng chống thiên tai

Tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ

PC tại nạn thương tích

Công điện

Văn bản chỉ đạo

Hoạt động của BCĐ

Văn bản pháp quy

Hợp Tác Quốc Tế

Chương trình - Kế hoạch

Đề án - Dự án

Nhu cầu - Tiềm lực

Thông tin tuyên truyền

Phổ biến kiến thức

Liên kết Website

BẢN ĐỒ GOOGLE

GOOGLE MAP

ẢNH VỆ TINH

SATELLITE IMAGE

ẢNH RA ĐA

RADA IMAGE

BẢN ĐỒ THỦY VĂN

HIDROLOGICAL IMAGE

Thống kế lượt truy cập