NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÒNG TRÁNH GIẢM NHẸ RỦI RO THIÊN TAI

Ngày đăng: 17/04/2013

NÂNG CAO VAI TRÒ CỦA PHỤ NỮ CÔNG AN NHÂN DÂN TRONG CÔNG TÁC ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU VÀ PHÒNG TRÁNH GIẢM NHẸ RỦI RO THIÊN TAI

 
Trung tá Nguyễn Văn Khiêm- Phó chánh Văn phòng Thường trực
Ban Chỉ đạo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an (Văn phòng ƯPT).

 

 
          Biến đổi khí hậu là những kiểu khí hậu thất thường, mực nước biển dâng lên và những sự kiện thái quá có thể liên quan đến hoạt động của con người và phát thải khí nhà kính làm cho trái đất nóng lên. Biến đổi khí hậu thường chỉ được xem như một hiện tượng thuần túy về khoa học kỹ thuật, nhưng thực ra biến đổi khí hậu cũng còn là hiện tượng chính trị và kinh tế xã hội với những hàm ý sâu sắc về công bằng xã hội và bình đẳng giới.
         Càng ngày người ta càng công nhận biến đổi khí hậu là một cuộc khủng hoảng toàn cầu, nhưng cho đến nay những hành động để đáp trả lại vẫn còn quá chú trọng đến các giải pháp kinh tế và khoa học kỹ thuật, mà chưa có giải pháp về mặt con người và chưa quan tâm đến bình đẳng giới. Nhu cầu phải đưa con người vào trọng tâm của các giải pháp về biến đổi khí hậu, đặc biệt chú trọng đến bình đẳng giới.
Tại sao phải chú trọng đến bình đẳng giới và biến đổi khí hậu?
         Theo các quan điểm và nhận định quốc thế, khi các kiểu khí hậu ngày càng khó dự đoán và các sự kiện thái quá như lũ lụt, thiên tai ngày càng trở nên phổ biến hơn, những người nữ và nam nghèo nhất ở các nước phương Nam là những người hầu như không phải là tác nhân gây ra vấn đề biến đổi khí hậu này nhưng sinh kế của họ lại bị đe dọa nhiều nhất, tiếng nói của họ cũng yếu nhất đối với các chính sách về khí hậu. Đây không chỉ là vấn đề bất công xung quanh các nguyên nhân và hậu quả của biến đổi khí hậu, nhưng đây cũng là vấn đề bất công xã hội về phương diện những ai là người có quyền lực và tài nguyên để có thể gây ảnh hưởng và tạo nguồn lợi từ các chính sách làm giảm thiểu biến đổi khí hậu.           
Nữ và nam không có những trải nghiệm như nhau về biến đổi khí hậu. Tại nhiều nước đang phát triển, các rào cản kinh tế và quy chuẩn về mặt văn hóa đã thu hẹp mức độ tiếp cận của phụ nữ đối với việc làm có hưởng lương, điều này có nghĩa là sinh kế của phụ nữ phải đặc biệt tùy thuộc vào các ngành nghề mang tính nhạy cảm về khí hậu, chẳng hạn như nông nghiệp tự cung tự cấp hoặc công việc đi lấy nước. Bất bình đẳng về giới còn thể hiện ở sự phân phối tài sản và cơ hội, điều này nghĩa là phụ nữ có rất ít phương án để lựa chọn khi gặp phải biến đổi khí hậu. Ví dụ như sự hạn chế về quyền sử dụng/ sở hữu đất đai đối với nữ nông dân làm cho họ có thể không tiếp cận được những mảnh đất màu mỡ để canh tác, và thiếu vốn về tài chính làm cho phụ nữ khó đa dạng hóa nguồn sinh kế của mình.
         Ở nhiều khu vực, phụ nữ và trẻ gái thường phải chịu trách nhiệm về hầu hết các công việc nội trợ, chăm sóc gia đình và đó là những việc không hưởng lương, điều này cũng có nghĩa là đời sống của phụ nữ và trẻ gái bị ảnh hưởng trực tiếp bởi những thay đổi do biến đổi khí hậu. Họ phải đi bộ xa hơn để kiếm thực phẩm, chất đốt và nước ngày càng khan hiếm hơn do biến đổi khí hậu. Kết quả là phụ nữ và trẻ gái còn rất ít thời gian để học tập, làm việc nâng cao thu nhập hoặc tham gia vào các tiến trình lấy quyết định ở cộng đồng, điều này lại sẽ dẫn tới bất bình đẳng trong các mối quan hệ giới.    
         Kiến trúc ở cấp quốc tế của biến đổi khí hậu rất phức tạp và luôn luôn thay đổi vì có thêm nhiều văn bản thỏa thuận mới và cũng có chỉnh sửa một số văn bản hiện hành. Công ước khung của Liên Hiệp Quốc về biến đổi khí hậu (UNFCC) là một khuôn khổ quốc tế để ứng phó với biến đổi khí hậu, và là văn bản đầu tiên công nhận vai trò của sự can thiệp của con người vào hệ thống khí hậu và nhu cầu cần phải xử lý sự phát thải khí CO2. Mặc dù có đề cập đến hoạt động của con người, nhưng Công ước UNFCC không có điểm nào nhắc tới bình đẳng giới.      
Hiện nay vẫn còn nhiều chính sách và tiến trình về biến đổi khí hậu mù về giới vì đã bỏ qua hầu hết hoặc hoàn toàn khía cạnh giới trong biến đổi khí hậu hoặc cho đó là không phù hợp. Người ta thường đưa vấn đề giới vào các chính sách hiện hành như một thứ “cộng thêm”, nếu không có cũng không sao. 
         Những chính sách dựa vào thị trường về việc giảm bớt khí thải CO2, cung cấp các sáng kiến kinh tế đối với việc cắt giảm phát thải khí CO2hoặc bảo tồn rừng, là những chính sách bị mù về giới nhiều nhất. Chẳng hạn như chính sách REED (Giảm khí thải từ việc phá rừng và rừng xuống cấp) đã giúp cho những nước công nghiệp phát triển ‘bù đắp’ sự phát thải khí CO2của họ bằng cách trả tiền cho các chính phủ, thường là những nước đang phát triển ở phương Nam, về việc bảo tồn rừng, để thúc đẩy cho việc giảm biến đổi khí hậu bằng cách giữ khí CO2 lại trong cây cối. Việc thương mại hóa các nguồn tài nguyên mà trước đây là miễn phí đã cho ta thấy là nó dẫn đến việc loại trừ người nghèo và nông dân không có đất, mà đa số là phụ nữ, trong khi họ là những người phải sống tùy thuộc vào các sản phẩm lấy từ rừng để làm nguồn sinh kế và họ lại rất hiếm khi được hưởng lợi từ các sáng kiến kinh tế.   
         Các chính sách thích nghi với khí hậu thường hay coi phụ nữ là những người thụ hưởng dễ bị tổn thương, chứ không coi họ như những công dân có đầy đủ các quyền mà mọi người phải công nhận chẳng hạn như về tiếng nói, kỹ năng và kinh nghiệm mà phụ nữ đã đóng góp cho xã hội. Nếu phụ nữ đã và đang đóng vai trò quan trọng trong việc triển khai các giải pháp bền vững để thích ứng với biến đổi khí hậu như là một phần của các sáng kiến ở cấp địa phương, quốc gia và quốc tế, thì các đóng góp này của phụ nữ cũng chưa được công nhận. Chẳng hạn như trong Hội nghị thường niên của các nước thành viên gần đây vào năm 2010 (COP 16), phụ nữ chỉ chiếm 30% của tất cả các đoàn đại biểu và chỉ có không đến 15% nữ làm trưởng đoàn. Sự mất cân bằng về giới này không chỉ làm cho các chính sách bị thiếu tính đại diện của phụ nữ mà nó còn phản ánh quyền được tham gia và có tiếng nói về chính trị của phụ nữ chưa được tôn trọng hoặc bị xem nhẹ.Tóm lại vẫn còn có một sự cách biệt lớn về giới trong việc ra quyết định đối với các chính sách về biến đổi khí hậu  
Tại Việt Nam…
       Mặc dù mối quan tâm đến vấn đề lồng ghép giới trong công tác ứng phó biến đổi khí hậu và phòng chống giảm nhẹ rủi ro thiên tai (ƯPBĐKH&PTGNRRTT) ngày càng tăng lên nhưng vẫn còn tồn tại nhiều thách thức như:
        - Chiến lược Quốc gia về Phòng chống và Giảm nhẹ thiên tai tới năm 2020 xác định rằng “Thảm họa bắt nguồn từ các hiểm họa tự nhiên có ảnh hưởng tiêu cực tới những nhóm người dễ bị tổn thương như người gia, người tàn tật, phụ nữ và trẻ em”.Tuy nhiên, các Kế hoạch hành động cho Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu do các Bộ và tỉnh xây dựng vẫn chưa đặt ra nhiệm vụ giải quyết vấn đề bình đẳng giới trong ƯPBĐKH&PTGNRRTT
        - Việc thực thi các khung pháp lý hiện hành và việc xây dựng các văn bản pháp lý mới cũng như các kế hoạch hành động liên quan thường không đề cập hoặc đề cập rất ít tới vấn đề bình đẳng giới.
        - Những hiểu biết về vai trò giới trong bối cảnh biến đổi khí hậu vấn còn hạn chế, nhu cầu nâng cao nhận thức và các yêu cầu xây dựng năng lực là cấp thiết tại các cấp khác nhau.
        - Những định kiến về vai trò của nam giới và nữ giới trong công tác ƯPBĐKH&PTGNRRTT vẫn còn nặng nề.
        - Cho tới nay, các bài nghiên cứu, phân tích và đánh giá về vấn đề bình đẳng giới và lồng ghép giới trong công tác ƯPBĐKH&PTGNRRTT để từ đó có thể đề ra các giải pháp phù hợp còn đang rất hạn chế.
        - Việc thu thập và tổng hợp dữ liệu có phân tách theo giới tính liên quan tới công tác ƯPBĐKH&PTGNRRTT vẫn còn là một điểm yếu.
        - Mặc dù ở mỗi nơi có sự khác nhau nhưng rõ ràng là phụ nữ đang rất thiếu đại diện trong các cơ cấu ra quyết định chính thức tại cấp cơ sở và địa phương, ví dụ như trong thành phần của Ban chỉ huy ƯPT các cấp hành chính khác nhau.
        - Nhìn chung các lĩnh vực liên quan tới ƯPBĐKH&PTGNRRTT   có một nền văn hóa do nam giới áp đảo, trong đó các thành viên phụ nữ có it đại diện và thường có ít khả năng tiếp cận với các thông tin liên quan đến việc ra quyết định.
        - Trên thực tế, phụ nữ có thể đảm trách tất cả các nhiệm vụ trong công tác ƯPBĐKH&PTGNRRTT.
Vậy ta cần thay đổi gì:
        Nếu chỉ nhận thức về bất bình đẳng giới không thôi thì chưa đủ. Những đáp ứng về biến đổi khí hậu có tiềm ẩn khả năng thách thức những bất bình đẳng quyền lực về giới, nếu giảm được những bất bình đẳng này ta sẽ đóng góp vào việc thực hiện tốt hơn bình đẳng giới và các quyền của phụ nữ, đó là khi các chính sách đóng vai trò làm nên những chuyển biến. Chính vì vậy cần phải có các giải pháp thực tiễn và các tiêu chuẩn cụ thể để đưa vấn đề lồng ghép giới tính vào các chính sách, chiến lược và kế hoạch.
Luận cứ cho việc lồng ghép giới vào công tác Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai tại Việt Nam.
        Việt Nam có một cơ sở luật pháp vững chắc trong vấn đề bình đẳng giới. Luật Bình đẳng giới (2007) và Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới  (2011-2020) quy định rằng tất cả các bộ, ngành đều phải lồng ghép giới trong công việc của họ. Theo Chiến lược Quốc gia về Bình đẳng giới, các bộ và tỉnh có trách nhiệm xây dựng và ban hành kế hoạch hành động về vấn đề bình đẳng giới nhằm thực thi Chiến lược. Cho đến thời điểm này, 37/63 tỉnh thành và 10 bộ đã thông qua kế hoạch hành động như vậy.
Trong vấn đề biến đổi khí hậu, Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu (2008) nhấn mạnh tầm quan trọng của bình đẳng giới như một nguyên tắc chỉ đạo cùng với phát triển bền vững. Chương trình Mục tiêu Quốc gia ứng phó biến đổi khí hậu cũng nhấn mạnh sự cần thiết phải tiến hành các đánh giá tình trạng dễ bị tổn thương ở các cấp ngành, khu vực và cộng đồng. Chương trình cũng lưu ý rằng những tác động tiềm tàng từ biến đổi khí hậu tới phụ nữ và có thể xã bỏ những thành tựu đã đạt được của các mục tiêu thiên niên kỷ. Bên cạnh đó, Chiến lược Quốc gia về Biến đổi khí hậu (12/2011) cũng đã đưa bình đẳng giới vào làm một trong những mục tiêu cụ thể.
Quan điểm chủ đạo cho việc lồng ghép giới tại Việt Nam.
        - Tận dụng tài năng, năng lực và sự đóng góp của cả nam giới và nữ giới để các chính sách trở nên bao quát, thành công, có hiệu lực, hiệu quả hơn.
        - Tránh được những ảnh hưởng tiềm tàng và không mong muốn mà các chính sách và hành động liên quan tới ƯPBĐKH&PTGNRRTT có thể làm gia tăng sự bất bình đẳng giới và đói nghèo.
        - Tạo lợi ích cho nhau: các chương trình và hành động liên quan đến ƯPBĐKH&PTGNRRTT có thể nâng cao vai trò và vị thế cho phụ nữ và cải thiện điều kiện sống cũng như sinh kế cho họ, cho gia đình họ và toàn thể cộng đồng; các chương trình và hành động liên quan đến bình đẳng giới có thể đóng góp cho công tác ƯPBĐKH&PTGNRRTT và giảm thiểu biến đổi khí hậu.
Đề xuất các giải pháp nâng cao vai trò của phụ nữ Công an nhân dân trong công tác Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai ngành Công an.
Về cơ chế chính sách:
        - Trong tương lai, cần phải đánh giá về giới cho tất cả các bản dự thảo chính sách, chiến lược và văn bản pháp lý liên quan đến Ứng phó với biến đổi khí hậu và phòng tránh giảm nhẹ rủi ro thiên tai. Tất cả tài liệu trên đều cần phải có mục tiêu cụ thể về bình đẳng giới và nâng cao vai trò vị thế của phụ nữ Công an.
        - Các chiến lược và kế hoạch ƯPBĐKH&PTGNRRTT hiện hành cần phải được xem xét lại và sửa đổi để phản ánh được đầy đủ sự quan tâm tới bình đẳng giới.
        - Áp dụng và khuyến khích việc sử dụng những dữ liệu phân tích giới và những thông tin về bình đẳng giới hiện có tại tất cả các cấp quản lý hành chính từ trung ương tới công an các đơn vị địa phương.
        - Việc lập kế hoạch và cung cấp tài chính cho ƯPBĐKH&PTGNRRTT cần phải được điều chỉnh cho phù hợp với các nhu cầu, khả năng của chiến sĩ nữ.
        Về xây dựng năng lực và nâng cao nhận thức
        - Đưa việc phân tích giới vào tất cả các khâu lập kế hoạch và thiết kế cho các sáng kiến ƯPBĐKH&PTGNRRTT của Công an các cấp.
        - Khuyến khích và đảm bảo sự tham gia của phụ nữ Công an cũng như Hội phụ nữ Công an Việt nam trong công tác ƯPBĐKH&PTGNRRTT ở tất cả các cấp trong Bộ.
        - Nâng cao vai trò của phụ nữ và nam giới trong công tác ƯPBĐKH&PTGNRRTT của lực lượng Công an và tạo điều kiện cho họ tham gia vào quá trình lập kế hoạch cũng như thực thi các hành động liên quan tới ƯPBĐKH&PTGNRRTT trong Công an nhân dân
       - Đưa kiến thức về giới và biến đổi khí hậu/rủi ro thảm họa vào trong hệ thống giáo dục và chương trình giảng dạy ở các trường Công an nhân dân.
 
          Lực lượng Công an cần phải tạo ra những liên kết chặt chẽ hơn giữa chính sách và các giải pháp, sáng kiến trong các chiến lược, kế hoạch và triển khai thực hiện công tác ứng phó với các hậu quả của biến đổi khí hậu để đảm bảo các chính sách đó có tiếng nói được tôn trọng của những người phụ nữ Công an nhân dân và qua đó đóng góp vào việc đạt được bình đẳng giới và các Mục tiêu Phát triển thiên niên kỷ cũng như các mục tiêu phát triển bền vững con người có liên quan tại Việt Nam./.

NVK.

  • Tiêu đề *
  • Người gửi *
  • Email *
  • Nội dung bình luận *
  • Mã bảo vệ *
  • Gửi bình luận Đóng lại

Tin tức - sự kiện

Video

Hình ảnh

Thông tin thời tiết

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phòng chống thiên tai

Tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ

PC tại nạn thương tích

Công điện

Văn bản chỉ đạo

Hoạt động của BCĐ

Văn bản pháp quy

Hợp Tác Quốc Tế

Chương trình - Kế hoạch

Đề án - Dự án

Nhu cầu - Tiềm lực

Thông tin tuyên truyền

Phổ biến kiến thức

Liên kết Website

BẢN ĐỒ GOOGLE

GOOGLE MAP

ẢNH VỆ TINH

SATELLITE IMAGE

ẢNH RA ĐA

RADA IMAGE

BẢN ĐỒ THỦY VĂN

HIDROLOGICAL IMAGE

Thống kế lượt truy cập