HẬU CẦN-KỸ THUẬT CAND THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ THƯỜNG TRỰC, SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA BỘ CÔNG AN
HẬU CẦN-KỸ THUẬT CAND THỰC HIỆN TỐT VAI TRÒ THƯỜNG TRỰC,
SẴN SÀNG ỨNG PHÓ VỚI BIẾN ĐỔI KHÍ HẬU, PHÒNG CHỐNG THIÊN TAI
VÀ TÌM KIẾM CỨU NẠN CỦA BỘ CÔNG AN
Trung tướng, GS.TS. Phạm Quang Cử |
Những năm qua, công tác Hậu cần-Kỹ thuật CAND đã có nhiều chuyển biến tích cực, cơ bản đáp ứng yêu cầu công tác, đảm bảo an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự, an toàn xã hội cũng như công tác thường trực sẵn sàng ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong toàn lực lượng CAND. Lực lượng hậu cần, kỹ thuật đã bám sát phục vụ tốt các yêu cầu chiến đấu, công tác thường xuyên và đột xuất; đảm bảo về trụ sở, điều kiện làm việc, phương tiện, kỹ thuật nghiệp vụ, vũ khí, khí tài, thông tin liên lạc, công nghệ thông tin, cơ yếu…của Công an các cấp được cải thiện đáng kể; công tác chăm sóc y tế, bảo vệ sức khỏe cán bộ chiến sĩ công nhân, viên chức trong CAND được quan tâm; quan hệ phối hợp về lĩnh vực hậu cần, kỹ thuật với các Bộ, ngành, cấp ủy, chính quyền địa phương có hiệu quả hơn.
I. NHỮNG CƠ SỞ LÝ LUẬN
1. Khái niệm về công tác Hậu cần – Kỹ thuật (HC-KT) thường trực đảm bảo ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn
1.1. Công tác Hậu cần - Kỹ thuật CAND nói chung là:
Tự lực cánh sinh, hậu cần tại chỗ, đảm bảo trước mắt, tính toán lâu dài; Phối hợp nhiều nguồn, chủ động, khẩn trương, kịp thời, tiết kiệm và hiệu quả, trong đó xác định rõ nguyên tắc của công tác hậu cần, kỹ thuật là tuân thủ nghiêm ngặt các chính sách, chế độ, quy định của Đảng, Nhà nước, Bộ Công an liên quan đến công tác HC-KT, ưu tiên cho lực lượng chiến đấu, cho Công an cấp cơ sở, nhất là vùng sâu, vùng xa, vùng đặc biệt khó khăn cho các nhiệm vụ trọng tâm quan trọng của lực lượng Công an.
Xác định quan điểm, tư tưởng chỉ đạo của Đảng, Nhà nước và Bộ Công an đối với công tác hậu cần, kỹ thuật là: Công tác HC-KT CAND phải đặt trong tình hình chung của cả nước, của cả lực lượng Công an để từ đó nhận thức, chủ trương, hành động cho đúng, giải quyết các yêu cầu chiến đấu và xây dựng lực lượng cho phù hợp với khả năng của nền kinh tế, không đòi hỏi quá cao nhưng không bó tay trước khó khăn, trở ngại. Công tác HC-KT CAND phải phát huy tinh thần tự lực, tự cường, tự chủ, sáng tạo. HC-KT CAND phải nắm chắc toàn bộ thực lực của ngành (từ vũ khí, khí tài, phương tiện kỹ thuật đến tài sản, ngân sách…) để có kế hoạch phân phối, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả. Trong bối cảnh hội nhập kinh tế quốc tế, HC-KT CAND phải biết phát huy nội lực, tranh thủ tối đa ngoại lực, hợp tác quốc tế để thực hiện công tác hậu cần đảm bảo phục vụ công tác và chiến đấu của lực lượng CAND đồng thời làm tròn nghĩa vụ hợp tác quốc tế về hậu cần với các nước bạn, góp phần đảm bảo an ninh quốc gia, phòng chống tội phạm, giữ gìn trật tự an toàn xã hội trong cả nước.
1.2. Công tác Hậu cần-Kỹ thuật Công an nhân dân đảm bảo ƯPBĐKH, PCTT&TKCN:
Tính chất, quan điểm và nguyên tắc chung của Công tác HC-KT CAND là cơ sở, nền tảng của công tác HC-KT CAND ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn của lực lượng CAND, được triển khai có tổ chức, xuyên suốt từ Bộ Công an tới các đơn vị địa phương. Quán triệt và thực hiện tốt nguyên tắc“Phòng ngừa chủ động - Ứng phó kịp thời - Khắc phục khẩn trương và hiệu quả”. Xác định rõ vai trò, vị trí, trách nhiệm của đơn vị cơ sở, hướng về cơ sở, quan tâm chỉ đạo và đầu tư cho cơ sở thực hiện tốt phương châm 4 tại chỗ: “Chỉ huy tại chỗ, lực lượng tại chỗ, vật tư phương tiện tại chỗ và hậu cần tại chỗ”để giúp cho đơn vị cơ sở có đủ khả năng và điều kiện ứng phó kịp thời, tại chỗ khi thiên tai, tai nạn, sự cố xẩy ra, làm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của nhà nước và nhân dân.
2. Các căn cứ pháp lý của công tác Hậu cần – Kỹ thuật CAND ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN:
Luật Phòng chống thiên tai đã được Quốc hội khóa XIII thông qua ngày 19/6/2013 và có hiệu lực từ ngày 01/5/2014; Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 Quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai; Quyết định số 1041/QĐ-TTg ngày 24/6/2014của Thủ tướng Chính phủ : Phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể lĩnh vực Ứng phó sự cố, thiên tai và Tìm kiếm Cứu nạn đến năm 2020; Quyết định số 172/2007/QĐ-TTg ngày 16/11/2007 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai đến năm 2020; Quyết định số 1239/2011/QĐ-TTg ngày 05/12/2011 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; Quyết định số 1183/QĐ-TTg, ngày 30/8/2012 của Thủ tướng Chính phủ về việc phê duyệt Chương trình mục tiêu quốc gia ứng phó với biến đổi khí hậu giai đoạn 2012 -2015; Kịch bản Biến đổi khí hậu, nước biển dâng năm 2012 của Bộ Tài nguyên và môi trường công bố ngày 17/4/2013; Nghị quyết 24 Hội nghị Trung ương 7 khóa XI về chủ động ứng phó với biến đổi khí hậu, tăng cường quản lý tài nguyên và bảo vệ môi trường; Quyết định số 7833/QĐ-BCA ngày 29/12/2014 quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật; Quyết định số 2118/QĐ-BCA-H41, ngày 20/6/2011 của Bộ Công an về việc thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên taivà tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an; Quyết định số 2844/QĐ-BCA,ngày 29/7/2011 của Bộ Công an về việc thành lập Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên taivà tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an.
3. Vai trò, trách nhiệm của lực lượng CAND với công tác phòng chống thiên tai và ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng
3.1. Theo quy định của pháp luật:
Vị trí, vai trò của ngành Công an được quy định trong Nghị định số 106/2015/NĐ - CP ngày 15/9/2015: Quy định về chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và cơ cấu tổ chức của Bộ Công an. Qua đó Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt của lực lượng vũ trang nhân dân trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia và giữ gìn trật tự an toàn xã hội.
Trong công tác phòng chống lụt, bão theo Nghị định số 66/2014/NĐ-CP ngày 04/7/2014 về quy định chi tiết, hướng dẫn thi hành một số điều của Luật Phòng, chống thiên tai, đại diện lãnh đạo Bộ Công an là Ủy viên Ban chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai.
Theo Khoản 3, Điều 6 về nguồn nhân lực cho phòng, chống thiên tai của Luật Phòng, chống thiên tai, Công an nhân dân là lực lượng nòng cốt trong công tác sơ tán người, phương tiện, tài sản, cứu hộ, cứu nạn, bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội theo sự điều động của người có thẩm quyền.
Ngoài ra theo Khoản 5, Điều 42 của Luật phòng, chống thiên tai về trách nhiệm quản lý Nhà nước của Chính phủ, Bộ và cơ quan ngang Bộ, Bộ Công an có trách nhiệm:
- Ban hành theo thẩm quyền hoặc trình cấp có thẩm quyền ban hành và chỉ đạo thực hiện văn bản quy phạm pháp luật về bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội trong phòng, chống thiên tai;
- Lập kế hoạch và phương án bảo đảm an ninh, trật tự an toàn xã hội khi có thiên tai xảy ra;
- Phối hợp với Bộ Quốc phòng, các bộ, cơ quan ngang bộ, địa phương tham gia cứu hộ, cứu nạn và khắc phục hậu quả do thiên tai gây ra;
- Kiểm tra, thanh tra, giải quyết khiếu nại, tố cáo, xử lý vi phạm pháp luật về phòng, chống thiên tai theo thẩm quyền.
Theo quyết định số 43/QĐ TTg,ngày 09/01/2012, Bộ trưởng Bộ Công an là Ủy viên của Ủy ban Quốc gia về Biến đổi khí hậu có chức năng tư vấn, giúp Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ trong việc nghiên cứu, đề xuất, chỉ đạo, điều hòa, phối hợp, đôn đốc giải quyết những công tác quan trọng, mang tính liên ngành, lĩnh vực, các chương trình, chiến lược quốc gia về biến đổi khí hậu; chỉ đạo, điều phối thực hiện các chiến lược, chương trình quốc gia về biến đổi khí hậu; chỉ đạo, tổ chức thực hiện hợp tác quốc tế về biến đổi khí hậu.
Nhằm thực hiện các nhiệm vụ được giao của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng,chống thiên tai vàỦy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn, đặc biệt là để tập trung, thống nhất chỉ đạo công tác ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN trong toàn lực lượng, Bộ Công an đã ra Quyết định số 2118/QĐ-BCA-H41 ngày 20/6/2011 thành lập Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chốngthiên taivà tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an; và Quyết định số 2844/QĐ-BCA ngày 29/7/2011 thành lập và quy định chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn và tổ chức bộ máy của Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòngchốngthiên taivà tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đặt tại Cơ quan Thường trực về ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN của Bộ Công anlà Cục Quản lý khoa học công nghệ và môi trường - Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật.
3.2. Nhiệm vụ công tác ƯPVBĐKH, PCTT&TKCNcủa ngànhCông an
1).Tham mưu xây dựng kế hoạch dài hạn, ngắn hạn về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống thiên tai, lụt, bão và tìm kiếm cứu nạn trong lực lượng Công an nhân dân. Tham mưu xây dựng, tổ chức thực hiện và đôn đốc, kiểm tra việc thực hiện các phương án, kế hoạch ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chốngthiên tai, phòng, chống tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn của Bộ Công an tại Công an các đơn vị, địa phương. Tham mưu chỉ đạo Công an đơn vị, địa phương kịp thời ứng phó với các tình huống thiên tai, tai nạn bất ngờ xảy ra.
2).Là đầu mối tiếp nhận và triển khai xử lý các thông tin về biến đổi khí hậu, thiên tai, lụt, bão, tai nạn, thương tích. Tham mưu, báo cáo lãnh đạo cấp có thẩm quyền quyết định điều động nhân lực, phương tiện và kinh phí của Bộ Công an để ứng cứu kịp thời những tình huống cấp bách, vượt quá khả năng ứng cứu của Công an đơn vị, địa phương. Trực tiếp đánh giá, đề xuất thành lập các Đoàn công tác của Bộ đi kiểm tra, đánh giá hậu quả thiệt hại của thiên tai, bão, lũ đối với Công an đơn vị, địa phương và báo cáo đề xuất lãnh đạo Tổng cục, lãnh đạo Bộ cấp kinh phí khắc phục hậu quả thiệt hại, bổ sung vật tư, phương tiện phòng, chống thiên taicho Công an đơn vị, địa phương.
3). Tham mưu, tổ chức thực hiện chế độ thông tin, báo cáo về công tác ứng phó với biến đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai; công tác tìm kiếm cứu nạn, cứu hộcủa Bộ Công an với Chính phủ, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu và Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn.
4). Tham mưu cho lãnh đạo Ban Chỉ đạo, chỉ đạo lực lượng cứu nạn, cứu hộ (Lực lượng Cảnh sát Phòng cháy, chữa cháy và cứu nạn, cứu hộ) và các lực lượng khác tham gia phối hợp, tổ chức thực hiện việc tìm kiếm cứu nạn người, tài sản của Nhà nước và nhân dân trong trường hợp xẩy ra thiên tai, lụt bão, thảm họa môi trường… lập và triển khai các đề án, dự án đầu tư phát triển đảm bảo Hậu cần-Kỹ thuật, cơ sở vật chất trang thiết bị cho các lực lượng tham gia phòng chống khắc phục hậu quả thiên tai và tìm kiếm cứu nạn cứu hộ. Tổ chức theo chức năng, nhiệm vụ của Bộ Công an.
5). Nghiên cứu, tham mưu, đề xuất mua sắm các phương tiện, vật tư phục vụ công tác phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, đảm bảo trang bị phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của từng lực lượng Công an và đặc điểm tự nhiên của từng vùng, miền, địa phương…
6). Tham mưu giúp lãnh đạo Ban Chỉ đạo phối hợp với Ủy ban Quốc gia tìm kiếm cứu nạn chỉ đạo việc điều tra, xác minh các vụ tai nạn lớn do Thủ tướng Chính phủ giao; kiến nghị với Thủ tướng Chính phủ và các cơ quan nhà nước có liên quan về những biện pháp phòng ngừa nhằm hạn chế đến mức thấp nhất thiệt hại do tai nạn gây ra.
7).Tham mưu tổ chức hoặc điều động lực lượng tham gia diễn tập phòng, chống thiên tai; phòng, chống tai nạn, thương tích; tìm kiếm cứu nạn. Tổ chức huấn luyện, tập huấn kỹ năng cho các lực lượng trực tiếp tham gia công tác ứng phó với biển đổi khí hậu; phòng, chống thiên tai trong lực lượng Công an nhân dân.
8). Tham mưu chỉ đạo thực hiện công tác tuyên truyền về ứng phó với biến đổi khí hậu, tình hình thiên tai lụt, bão, tai nạn, thương tích; về hoạt động của lực lượng Công an nhân dân trong phòng, chống thiên tai, lụt, bão, phòng, chống tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn trên các phương tiện thông tin đại chúng. Tham mưu tổ chức các hoạt động quyên góp, tình nguyện … để ủng hộ, giúp đỡ kịp thời Công an đơn vị, địa phương và nhân dân bị thiệt hại nghiêm trọng do thiên tai, tai nạn xẩy ra.
9). Đề xuất khen thưởng, động viên kịp thời các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc trong công tác phòng, chống thiên tai, phòng, chống tai nạn, thương tích và tìm kiếm cứu nạn.
II. NHỮNG VẤN ĐỀ CỤ THỂ
2.1. Đảm bảo HC-KT CAND ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN
Trong những năm qua, Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật đã tham mưu cho Ban Chỉ đạo Bộ, chỉ đạo bảo đảm tốt hậu cần cho nhiệm vụ ƯPBĐKH, PCTT&TKCN và các nhiệm vụ đột xuất khác. Thường xuyên chuẩn bị tốt lực lượng, phương tiện, cơ sở vật chất bảo đảm cho nhiệm vụ phòng chống thiên tai, cứu hộ cứu nạn; chủ động rà soát, điều chỉnh, bổ sung hệ thống văn bản, bảo đảm cho các phương án ứng phó. Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật cũng đã chủ trì tổ chức các đoàn kiểm tra công tác chuẩn bị ứng phó trước mùa mưa bão tại công an các đơn vị địa phương, tổng hợp, báo cáo đề xuất Bộ điều chỉnh lượng phương tiện, vật tư PCTT, TKCN phù hợp với tình hình; tổ chức diễn tập, tập huấn, huấn luyện thường xuyên tại các địa phương trọng điểm thiên tai bão lũ, bảo đảm an toàn, đạt mục đích đề ra.
Trong thời gian tới, Tổng cục Hậu cần - Kỹ thuật tiếp tục triển khai đồng bộ các giải pháp để nâng cao chất lượng công tác, trọng tâm là xây dựng được các tiêu chuẩn, định mức, định lượng về cơ số trang bị phương tiện PCTT, TKCN cho các lực lượng theo đúng chức năng nhiệm vụ, bố trí vốn tập trung, có trọng điểm để hoàn thành các nhiệm vụ đã đề ra.
2.2. Đảm bảo cơ sở hạ tầng thiết yếu cho công tác PCTT, TKCN
Cơ sở hạ tầng (CSHT) là một phần quan trọng của mọi nền kinh tế. Trong các thiệt hại về kinh tế do thiên tai và biến đổi khí hậu gây ra thì thiệt hại về CSHT chiếm tỷ trọng cao. Đó là những thiệt hại về nhà ở của cán bộ chiến sĩ, của người dân (sập đổ, tốc mái, cuốn trôi), cơ sở giáo dục, trường giáo dưỡng (phòng học bị tốc mái, sập đổ, cuốn trôi), bệnh viện, trạm xá, trạm y tế, hệ thống thủy lợi (làm hư hỏng kênh mương, hồ chứa, các loại công trình thủy lợi), giao thông (đường quốc lộ, cầu, cống), các công trình khác (nhà làm việc, nhà ăn, nhà ở doanh trại, nhà văn hóa, đền chùa…)...
Qua số liệu tổng hợp từ Công an các địa phương tính tới năm 2015 và so sánh với tiêu chuẩn vật chất hậu cần CAND theo Nghị định 18 thì hệ thống trụ sở, doanh trại của ngành Công an trong công tác ƯPT còn thiếu rất nhiều, cụ thể:
- Trong toàn Ngành cần phải xây dựng thêm 688.020m2 nhà, trong đó diện tích nhà thiếu so với tiêu chuẩn là 313.568m2.
- Diện tích nhà đang phải thuê mượn để làm trụ sở làm việc là 17.097m2, diện tích nhà tạm không đảm bảo cho công tác ƯPT là 60.829,8m2, và diện tích nhà cũ, hỏng cần phải nâng cấp, cải tạo là 296.525,51m2.
Để ngành Công an hoàn thành tốt nhiệm vụ cho những năm tiếp theo, cần phải xây dựng mới, cải tạo, nâng cấp, sửa chữa hệ thống nhà trụ sở, doanh trại đảm bảo đủ theo tiêu chuẩn mà Ngành Công an đã đề ra theo Nghị định 18 về tiêu chuẩn vật chất hậu cần CAND.
2.3. Đảm bảo phương tiện, trang thiết bị
Bộ Công an đã trang bị cho các lực lượng chuyên trách các trang bị, phương tiện hiện đại phục vụ phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn như xe lội nước đặc chủng, xe thông tin chỉ huy, xe cứu nạn, cứu hộ, ca nô, tàu xuồng ..v.v. Ngoài việc sử dụng nguồn ngân sách trên cấp, Bộ Công an cũng đã huy động, tranh thủ các nguồn vốn vay ưu đãi cho các hoạt động cứu trợ nhân đạo, thảm họa, y tế như vốn ODA để mua sắm nhiều trang bị mới theo hướng cơ bản, bền vững, hiện đại, nhất là các đơn vị chuyên trách tại các địa bàn trọng điểm về thiên tai do biến đổi khí hậu, nước biển dâng.
Qua điều tra đánh giá hiện trạng phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật từ báo cáo các đơn vị địa phương: gần như 100% các phương tiện, thiết bị kỹ thuật đã trang bị, đang được sử dụng khi có thiên tai, sự cố, tuy nhiên mới chỉ đáp ứng được khoảng 60% nhu cầu của công tác ƯPT. Cá biệt có những loại phương tiện chưa được đầu tư như xe lưỡng cư tìm kiếm cứu nạn, trạm công tác di động. Đây là một trong những nguyên nhân gây khó khăn rất lớn cho ngành Công an trong công tác ƯPT khi có thiên tai, sự cố xảy ra.
Việc đầu tư hiện đại hóa trang bị, phương tiện PCTT, TKCN là chủ trương và hướng đi đúng của Ban Chỉ đạo Bộ Công an trong công tác tham mưu cho lãnh đạo Bộ tổ chức thực hiện, nâng cao năng lực, hiệu quả công tác phòng, chống, ứng phó thiên tai, và tìm kiếm, cứu nạn trước những diễn biến phức tạp của tình hình an ninh phi truyền thống hiện nay. Thực tế, việc trang bị phương tiện phòng chống thiên tai, tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ vẫn còn chậm được bổ sung, phát triển, nhất là các trang thiết bị chuyên dụng, hiện đại. Thời gian tới, cùng với việc tập trung xây dựng lực lượng PCTT, TKCN theo hướng thống nhất, đồng bộ, mang tính chuyên nghiệp, cần ưu tiên lựa chọn về trang bị, phương tiện hiện đại theo hướng chuyên sâu, nâng cao khả năng ứng phó các tình huống khẩn cấp; tăng cường đầu tư, mua sắm trang thiết bị TKCN chuyên dụng; xây dựng trung tâm huấn luyện, thao trường, bãi tập. Các phương tiện, trang bị hiện cần được quản lý chặt chẽ, bảo quản, sử dụng hiệu quả, đúng quy định…
Có được trang thiết bị tốt, các lực lượng PCTT, TKCN sẽ góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về tính mạng, tài sản của Nhà nước và nhân dân, tạo điều kiện phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội.
2.4. Đảm bảo chế độ chính sách
Phòng chống thiên tai và tìm kiếm, cứu nạn, cứu hộ là công việc khó khăn, nguy hiểm, độc hại, ảnh hưởng trực tiếp tới sức khỏe, tính mạng của người thực thi nhiệm vụ. Nhằm khuyến khích, động viên cán bộ, chiến sĩ và các lực lượng an tâm làm nhiệm vụ, Bộ Công an đã có các văn bản, quy định, hướng dẫn cụ thể, bảo đảm chế độ, chính sách cho các lực lượng làm nhiệm vụ PCTT, TKCN.
Quỹ Nghĩa tình đồng đội tiền thân là Quỹ Phòng chống thiên tai, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo trong lực lượng công an nhân dân (CAND) được thành lập ngày 10/8/2011 theo Quyết định số 1570/QĐ-BNV của Bộ trưởng Bộ Nội Vụ. Quỹ có nhiệm vụ hỗ trợ các hoạt động phòng chống và khắc phục hậu quả thiên tai, tai nạn thương tích, đền ơn đáp nghĩa, xóa đói giảm nghèo, trợ cấp khó khăn đột xuất cho cán bộ, chiến sĩ và thân nhân của cán bộ chiến sĩ. Sự ra đời của Quỹ đã giúp lãnh đạo Bộ Công an kịp thời thăm hỏi cán bộ, chiến sĩ CAND bị thương, hy sinh trong đấu tranh phòng chống tội phạm, các hoạt động đền ơn đáp nghĩa trong lực lượng CAND và các hoạt động nhân đạo từ thiện khác.
Tuy nhiên, bên cạnh những thành quả đã đạt được, trong quá trình thực hiện các chế độ, chính sách đã bộc lộ những bất cập, hạn chế cần phải khắc phục, sửa đổi, bổ sung để chính sách ngày càng hoàn chỉnh, đảm bảo quyền lợi của cán bộ chiến sĩ CAND đáp ứng được yêu cầu phát triển kinh tế xã hội của cả nước nói chung và của ngành Công an nói riêng. Ví dụ:
- Về cơ cấu tổ chức: Việc chỉ định đơn vị thường trực công tác ƯPT tại Ban chỉ huy ƯPT CA các đơn vị địa phương còn chưa rõ ràng, thống nhất, có Ban chỉ huy chỉ định PV11 là đơn vị thường trực, có Ban chỉ huy chỉ định PH41, có nơi lại là PC66…không có cán bộ chuyên trách về công tác ƯPT tại các Ban chỉ huy, chỉ có cán bộ kiêm nhiệm nên chất lượng và hiệu quả công việc chưa cao.
- Về phương tiện trang thiết bị: chưa có tiêu chuẩn định mức trang bị cho các lực lượng thường trực chuyên trách, xung kích, dự bị tham gia PCTT, TKCN như từ cấp tiểu đội, trung đội đến đại đội…
- Về chế độ chính sách: Chưa có quy định rõ ràng đâu là lực lượng thường trực chuyên trách, lực lượng dự bị, lực lượng xung kích và lực lượng kiêm nhiệm; có nhưng chưa đầy đủ về chế độ chính sách, bồi dưỡng kinh phí cho các lực lượng như dự bị, xung kích, kiêm nhiệm tham gia phòng, chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, huấn luyện, diễn tập cứu nạn cứu hộ khi có yêu cầu huy động.
- Chưa có quy định cụ thể về đào tạo, cấp chứng chỉ huấn luyện kỹ năng nghiệp vụ chuyên sâu về công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN, nắm vững thao tác sử dụng thuần thục các trang thiết bị phương tiện cứu hộ, cứu nạn trong thiên tai, sự cố nghiêm trọng cho các lực lượng.
- Chưa có chính sách khuyến khích các hoạt động khoa học công nghệ, thu hút đầu tư, hợp tác quốc tế, huy động nguồn lực.cho lĩnh vực nghiên cứu ứng dụng các sản phẩm trong phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
Những bất cập, hạn chế này cần phải sửa đổi, bổ sung kịp thời nhằm đảm bảo tính công bằng và bền vững của các chế độ chính sách, tạo điều kiện khuyến khích, động viên kịp thời các lực lượng chuyên trách, thường trực, xung kích, dự bị tham gia phòng, chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn.
Các đơn vị, cơ quan chức năng của Bộ Công an đang tích cực tham mưu với Lãnh đạo Bộ, phối hợp cùng các bộ, ngành liên quan xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về chế độ lương, phụ cấp, bảo đảm quyền lợi cho các lực lượng tham gia phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ CAND.
2.5. Đảm bảo nguồn nhân lực
Tăng cường đào tạo nguồn nhân lực đáp ứng yêu cầu phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, đặc biệt nguồn nhân lực cho bộ máy tổ chức quản lý, tham mưu, điều hành công tác phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, ứng phó với biến đổi khí hậu là nhu cầu cấp bách hiện nay tại Công an các đơn vị địa phương.
Nhìn chung trong công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN các đơn vị Công an đều tham gia khi có thiên tai, sự cố xảy ra. Tuy nhiên tập trung chủ yếu một số đơn vị sau: PV11, PC49, PC65, PC66, PC67, PC68, PH41, PX13. Ngoài lực lượng PC66 là đơn vị chuyên trách về cứu nạn, cứu hộ (chủ yếu do cháy nổ, sập đổ công trình), các lực lượng còn lại đều là lực lượng kiêm nhiệm. Do đó trong công tác đào tạo, tập huấn nâng cao nhận thức, kỹ năng quản lý, tham mưu, chỉ đạo cũng như đầu tư phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật rất cần ưu tiên cho những đơn vị này nhằm giúp cho các đơn vị nêu trên hoàn thành tốt hơn nữa công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN khi có các sự vụ, tình huống thiên tai, thảm họa, sự cố lớn xảy ra.
Phát triển nguồn nhân lực cho công tác ƯPT đã và đang trở thành điều kiện tiên quyết trong mọi kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội từ Trung ương tới các Bộ, ban, ngành, từ ý chí chính trị, từ các nghị quyết ở tầm vĩ mô cho đến các chính sách, chương trình hành động cụ thể ở các cấp. Công an nhân dân là một trong những lực lượng nòng cốt trong phòng chống thiên tai, tìm kiếm cứu nạn, cứu hộ, việc phát triển nguồn nhân lực được xem là “chìa khóa” để đạt được thành công, hiệu quả cao trong công tác này của Bộ Công an. Tuy nhiên, tính đến nay, chưa có nhiều chương trình, đề án, dự án được triển khai và đầu tư kinh phí với kỳ vọng xây dựng được đội ngũ cán bộ chiến sĩ giỏi đáp ứng yêu cầu công tác ƯPT.
III. CÁC GIẢI PHÁP THỰC HIỆN ĐẢM BẢO HC-KT CAND ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN
3.1. Giải pháp Quy hoạch đáp ứng các yêu cầu trước mắt và mục tiêu lâu dài.
Công an nhân dân là lực lượng vũ trang và cũng là một trong những lực lượng nòng cốt trong các công tác phòng, chống và khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, tìm kiếm cứu nạn, ứng phó với biến đổi khí hậu, nước biển dâng, đòi hỏi phải có lực lượng đủ mạnh với trang thiết bị, cơ sở vật chất hiện đại, hệ thống tổ chức hoàn chỉnh để sẵn sàng cơ động ứng phó với mọi tình huống, sự cố xảy ra nhằm khắc phục và giảm nhẹ thiệt hại, bảo vệ an toàn tính mạng và tài sản nhân dân.
Để đáp ứng tốt yêu cầu thực tế của lực lượng Công an nhân dân (CAND) và phát huy được vai trò đối với các nhiệm vụ ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn thì việc Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn ngành Công an đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030 là rất cần thiết, nhằm mục tiêu đến năm 2020 lực lượng CAND phải cơ bản và năm 2030 phải hoàn chỉnh hệ thống các lực lượng thường trực, chuyên trách và kiêm nhiệm với đầy đủ lực lượng, vật tư, phương tiện, thiết bị, cơ sở vật chất, có bộ máy tổ chức và cơ chế chính sách rõ ràng để đáp ứng tốt yêu cầu ứng phó biến đổi khí hậu, nước biển dâng, phòng chống, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa và tìm kiếm cứu nạn, góp phần hoàn thành tốt nhiệm vụ giữ vững an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội, góp phần vào công cuộc phát triển bền vững đất nước. Do đó, nhiệm vụ chính của quy hoạch là phải làm rõ được các yêu cầu sau:
- Đánh giá tình hình công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN của thế giới, khu vực và Việt Nam; Xác định trách nhiệm của ngành Công an với công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN của Quốc gia; Khảo sát, đánh giá hiện trạng công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN của ngành Công an; xác định nhu cầu phát triển theo chức trách, nhiệm vụ được giao về công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN của ngành Công an; Xác định rõ quan điểm, định hướng, mục tiêu, nhiệm vụ, các chỉ tiêu đạt được của từng lĩnh vực công tác ƯPVBĐKH, PCTT & TKCN ngành Công an từ nay đến năm 2020, tầm nhìn đến năm 2030; Xác định các giải pháp về cơ chế chính sách, nguồn vốn đầu tư và các nguồn lực khác để thực hiện quy hoạch; Xác định rõ danh mục các chương trình, dự án, đề án ưu tiên đầu tư.
- Căn cứ vào quy hoạch, Ban Chỉ đạoƯPTBộ cũng như Ban chỉ huy ƯPT CA các đơn vị,địa phương sẽ có có cơ sở để xây dựng, triển khai các kế hoạch, dự án đầu tư, phương án ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN tại địa phương mình sao cho sát với thực tế và nâng cao hiệu quả công tác, góp phần giảm thiểu tối đa thiệt hại về người và tài sản khi có thiên tai,bão lũ…
3.2. Giải pháp xây dựng hệ thống tổ chức và cơ chế điều hành thực hiện công tác ƯPT của ngành Công an
Bộ Công an đang chủ trì nghiên cứu xây dựng Đề án “Quy hoạch tổng thể lĩnh vực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an đến năm 2020, tầm nhìn 2030” trong đó về cơ cấu tổ chức theo hướng thành lập một số cơ quan, đơn vị chuyên trách trực thuộc Bộ và các đơn vị kiêm nhiệm tại Công an các đơn vị địa phương bảo đảm sự chỉ đạo tập trung, thống nhất từ Bộ tới địa phương, trong công tác TKCN, ứng phó thiên tai, thảm họa. Định hướng từng năm, từng giai đoạn, từng bước xây dựng lực lượng theo hướng chuyên trách, chuyên nghiệp hóa, hiện đại hóa. Cụ thể hơn:
3.2.1. Ở cấp Bộ:
Đã thành lập và hàng năm kiện toàn Ban Chỉ đạo của Bộ Công an cho cả 04 lĩnh vực là Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an; Ban Chỉ đạo Bộ Công an làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu sự chỉ đạo trực tiếp về các lĩnh vực của Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu, Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng, chống thiên tai, Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm Cứu nạn và Ban Chỉ đạo Quốc gia về tai nạn thương tích. Ban Chỉ đạo do một lãnh đạo Bộ làm Trưởng ban. Ban Chỉ đạo có thể chỉ đạo cả công tác phòng, chống cháy rừng và các nhiệm vụ khác liên quan đến lĩnh vực tìm kiếm cứu nạn.
- Cơ quan thường trực Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an là Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật;
- Văn phòng Thường trực Ban Chỉ đạo Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn Bộ Công an(đặt tại Cục H46 - Tổng cục Hậu cần – Kỹ thuật) là đơn vị chuyên trách, thường trực tham mưu giúp việc Ban Chỉ đạo Bộ Công an và cũng là đầu mối của Bộ Công an với Văn phòng thường trực của các Ủy ban Quốc gia về biến đổi khí hậu; Ban Chỉ đạo Trung ương về phòng chống thiên tai; Ủy ban Quốc gia Tìm kiếm cứu nạn và Ban Chỉ đạo Quốc gia về tai nạn thương tích.
3.3.2. Tại Công an các đơn vị địa phương:
Công an các đơn vị, địa phương thực hiện, triển khai công tác ƯPT tại địa bàn phụ trách theo chức năng, nhiệm vụ được phân công; chỉ đạo các đơn vị trực thuộc, giúp cho đơn vị cơ sở có đủ khả năng và điều kiện ứng phó kịp thời, tại chỗ khi thiên tai, thảm họa, tai nạn, sự cố xảy ra, làm hạn chế thấp nhất thiệt hại về người, tài sản của Nhà nước, lực lượng Công an và của nhân dân trước mắt và lâu dài.
Thành lập và hàng năm kiện toàn Ban chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn. Ban Chỉ huy do một lãnh đạo Công an đơn vị, địa phương làm Trưởng ban, làm việc theo chế độ kiêm nhiệm, chịu sự chỉ đạo về chuyên môn nghiệp vụ của Ban Chỉ đạo Bộ Công an.
Phân công đơn vị thường trực Ban Chỉ huy Ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống lụt bão và tìm kiếm cứu nạn để tham mưu, giúp việc cho BCH triển khai thực hiện tốt nhiệm vụ được giao.
3.3.3. Cụm tuyến liên kết vùng:
Căn cứ và đặc điểm địa hình, khí hậu, thiên tai dự kiến thành lập các Cụm tuyến liên kết vùng trong phòng chống thiên tai nhằm tăng cường sự liên kết, tương trợ, kịp thời chi viện giúp đỡ nhau trong một cụm tuyến trước khi có sự chi viện, cứu trợ từ Ban Chỉ đạo Bộ. Các Cụm tuyến sẽ hoạt động dựa trên một cơ chế phối hợp hoặc hoạt động dưới sự chỉ đạo của một Ban Điều phối cụm tuyến.
Dự kiến thành lập 08 cụm tuyến liên kết vùng phòng chống thiên tai, thảm họa sự cố lớn gồm các Cụm tuyến Tây Bắc Bộ, Đồng Bắc Bộ, Thủ đô, Bắc Trung Bộ, Nam Trung Bộ, Tây Nguyên, Tây Nam Bộ, Đông Nam Bộ).
3.3.4. Bố trí các lực lượng tăng cường, dự bị
Khi có thiên tai, thảm họa, sự cố lớn xảy ra vượt quá khả năng của Công an các đơn vị địa phương chịu ảnh hưởng thì căn cứ tình hình thực tế, Ban Chỉ đạo ƯPT Bộ Công an sẽ được điều động các lực lượng tăng cường, hỗ trợ gồm:
1). Công an các đơn vị, địa phương có địa bàn tiếp giáp (thuộc các cụm tuyến liên kết vùng) là các lực lượng đầu tiên tiếp cận, hỗ trợ cho công an các tỉnh, thành phố chịu ảnh hưởng của thiên tai, thảm họa, sự cố lớn.
2). Các Trung đoàn CSCĐ và các Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm theo sơ đồ vị trí đóng quân và địa bàn đã được phân giao phụ trách sẽ là lực lượng tăng cường, hỗ trợ. Cụ thể:
- Các tỉnh khu vực Tây Bắc Bộ: Trung đoàn CSCĐ Tây Bắc – E24;
- Các tỉnh khu vực Đông Bắc: Trung đoàn CSCĐ Đông Bắc – E22;
- Các tỉnh khu vực Miền Trung: Trung đoàn CSCĐ Miền Trung – E23;
- Các tỉnh khu vực Tây Nguyên: Trung đoàn CSCĐ Tây nguyên – E20;
- Các tỉnh khu vực Tây Nam Bộ: Trung đoàn CSCĐ Tây Nam Bộ – E21;
- Các tỉnh khu vực Đông Nam Bộ: Trung đoàn CSCĐ Đông Nam Bộ – E25;
- Thành phố Hà Nội: Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 1;
- Thành phố Hồ Chí Minh: Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 2;
- Thành phố Đà Nẵng: Tiểu đoàn Cảnh sát đặc nhiệm số 3;
- Lực lượng Dự bị Bộ Tư lệnh CSCĐ: Trung đoàn CSCĐ dự bị chiến đấu.
3). Lực lượng xung kích là học viên, sinh viên các trường Công an nhân dân đóng trên địa bàn các tỉnh phía Bắc, miền Trung và phía Nam sẽ tham gia hỗ trợ phòng ngừa, ứng phó, khắc phục hậu quả thiên tai, thảm họa, sự cố lớn theo điều động.
3.3. Giải pháp phát triển nguồn nhân lực ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN
Phát triển nguồn nhân lực rõ ràng là một quy trình có tính chất hệ thống, trong đó các khâu từ quy hoạch, tạo nguồn, sử dụng và giữ chân có mối liên hệ khăng khít và phải được đảm bảo. Vì vậy, cần phải quan tâm một cách thấu đáo ở tất cả các khâu. Nếu có quy hoạch tốt, có đầu tư đào tạo bài bản nhưng không được sử dụng hợp lý thì nguồn nhân lực đó khó mà phát huy hiệu quả. Nếu chỉ có chú trọng đào tạo, thu hút và sử dụng mà không có quy hoạch, định hướng phát triển cụ thể, không có chế độ đãi ngộ, môi trường làm việc thuận lợi để giữ chân người giỏi thì công tác phát triển nguồn nhân lực khó đảm bảo tính bền vững. Như vậy tiếp cận hệ thống sẽ thấy được mối quan hệ khăng khít giữa các khâu để triển khai công tác này một cách chặt chẽ, đồng bộ.
Để phát triển nguồn nhân lực ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN có chất lượng một cách bền vững, việc phụ thuộc vào một nguồn kinh phí duy nhất hoặc riêng lẻ, ví dụ như ngân sách nhà nước hay kinh phí của bản thân ngành Công an, thì sẽ khó có khả năng duy trì lâu dài và rộng khắp. Do vậy, đối với các chương trình, đề án phát triển nguồn nhân lực, cần phải huy động tổng lực các nguồn lực, từ ngân sách nhà nước, kinh phí tài trợ, hỗ trợ tài chính của các tổ chức, định chế tài chính, các cơ sở giáo dục trong nước và quốc tế. Bên cạnh việc huy động các kênh tài chính, cũng cần đa dạng hóa các phương thức cấp phát, chi phí tài chính từ việc cấp học bổng, hỗ trợ kinh phí đào tạo đến cho vay đào tạo… Có như vậy, việc phát triển nguồn nhân lực chất lượng mới huy động được sức mạnh và các nguồn lực trong xã hội, đảm bảo tính bền vững, lâu dài.
3.4 Giải pháp phát triển công nghiệp an ninh phục vụ công tác ƯPVBĐKH, PCTT&TKCN
Công nghiệp an ninh (CNAN) là hệ thống các cơ sở nghiên cứu, sản xuất, sửa chữa, cải tiến, hiện đại hóa trang bị phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ, công nghệ thông tin, vũ khí chuyên dụng… phục vụ công tác, chiến đấu của lực lượng Công an và phục vụ nhu cầu an ninh, an toàn xã hội.
Các sản phẩm CNAN nghiên cứu, sản xuất bao gồm: chuyên dụng, lưỡng dụng và dân dụng, trong đó có nhiều sản phẩm là các phương tiện, trang thiết bị kỹ thuật phục vụ công tác ƯPT có giá trị thực tiễn phục vụ công tác PCTT, TKCN, cứu hộ, chiến đấu của lực lượng Công an. Nhìn chung, hệ thống các cơ sở nghiên cứu, sản xuất hiện tại của công nghiệp an ninh có quy mô nhỏ, chưa tương xứng với yêu cầu phục vụ chiến đấu và xây dựng lực lượng của ngành Công an trong giai đoạn mới. Để đáp ứng được nhiệm vụ đặt ra cho Công nghiệp an ninh, đến năm 2020, ngành Công nghiệp an ninh phải sản xuất đáp ứng 50% - 70% nhu cầu về trang bị để phục vụ công tác, chiến đấu và xây dựng lực lượng ngành Công an. Trong đó, đến năm 2015 phải đảm bảo cơ bản về phương tiện kỹ thuật, công cụ hỗ trợ cho các lực lượng An ninh, Tình báo, Cảnh sát cơ động. Ngoài ra, Công nghiệp an ninh cần xây dựng các Trung tâm, viện nghiên cứu chuyên ngành khoa học kỹ thuật về CNCH, PCTT&TKCN để có thể nghiên cứu, phát triển, sản xuất các phương tiện, thiết bị công cụ hỗ trợ, CHCN đáp ứng nhu cầu ngày càng cao của xã hội về an ninh, an toàn dân sinh. Đến năm 2020 phấn đấu đáp ứng 60- 70% nhu cầu của xã hội, phục vụ giữ gìn an toàn xã hội trong tình hình mới.
3.3.7. Giải pháp xây dựng lực lượng dự phòng và dự trữ Quốc gia ngành An ninh đáp ứng yêu cầu công tác ƯPVBĐKH, PCTT& TKCN
Hệ thống kho là cơ sở vật chất kỹ thuật cơ bản và chủ yếu của ngành dự trữ, dự phòng CAND. Trong những năm qua cùng với sự hình thành và phát triển của ngành, hệ thống kho cũng đã được từng bước quan tâm đầu tư xây dựng, nhằm đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ của ngành CA trong từng giai đoạn. Tuy nhiên, mạng lưới kho do Bộ Công an quản lý hiện nay bộc lộ nhiều hạn chế. Các điểm kho nhỏ lẻ phân tán, xa các điểm xung yếu về thiên tai, bão lũ, thậm chí, dễ bị chia cắt, cô lập khi có thiên tai, bão, lũ xảy ra. Công nghệ bảo quản lạc hậu; trang thiết bị kho thô sơ, phân bổ lực lượng chưa hợp lý trên các vùng, nơi thừa, nơi thiếu; chưa đáp ứng tốt nhất yêu cầu nhiệm vụ trong các tình huống đột xuất, cấp thiết của Nhà nước và của ngành Công an. Một trong những nguyên nhân hạn chế trên là do từ trước đến nay, việc đầu tư xây dựng hệ thống kho chưa theo một quy hoạch tổng thể của toàn bộ hệ thống.
Nhu cầu Bộ Công an phải từng bước đầu tư xây dựng một hệ thống kho dự trữ đồng bộ, hiện đại, được bố trí theo vùng, khu vực chiến lược, phù hợp điều kiện kinh tế - quốc phòng, an ninh của vùng lãnh thổ; khắc phục những tồn tại, hạn chế của hệ thống kho hiện nay, phù hợp công nghệ mới trong bảo quản, hiện đại hóa việc nhập, xuất và quản lý hàng hóa; tăng cường hiệu quả hoạt động, sẵn sàng chi viện ứng cứu là những đòi hỏi khách quan có ý nghĩa quan trọng và hết sức cần thiết nhằm đáp ứng tốt nhất các nhiệm vụ chính trị của ngành; góp phần quan trọng cho sự đảm bảo phát triển bền vững của đất nước.
Lượng hàng dự phòng và dự trữ Quốc gia ngành An ninh đã được Bộ Công an xây dựng chương trình phát triển từ nay đến năm 2050, thông qua Quyết định số 3093/QĐ-BCA-H41, ngày 3/8/2011 Phê duyệt “Quy hoạch mạng lưới kho – kho dự trữ Nhà nước và cơ sở hạ tầng vận tải đường bộ của Bộ Công an đến năm 2020, định hướng đến năm 2050”. Qua đó đến năm 2020 vị trí các kho dự trữ, cấp phát tổng hợp, trung chuyển, dự trữ nhà nước của Bộ Công an sẽ được bố trí tại 16 điểm kho và được phân bố tại 6 khu vực.
3.3.8. Giải pháp huy động các nguồn lực tài chính
Hiện nay, căn cứ các Điều 8, Điều 9, Điều 10, Chương I, Luật PCTT, Tài chính cho phòng, chống thiên tai có từ 3 nguồn sau:
1. Ngân sách nhà nước;
2. Quỹ phòng, chống thiên tai;
3. Nguồn đóng góp tự nguyện của tổ chức, cá nhân.
Việc lập dự toán, phân bổ, quản lý và sử dụng ngân sách từ các nguồn kinh phí trên cho hoạt động phòng, chống thiên tai của Bộ Công an phải được thực hiện theo quy định của pháp luật. Sử dụng kinh phí đúng mục đích, đúng đối tượng góp phần nâng cao hiệu quả công tác. Việc quản lý, sử dụng Quỹ phòng, chống thiên tai phải bảo đảm đúng mục đích, kịp thời, công khai, minh bạch, công bằng và hiệu quả.
3.3.9. Giải pháp Phát triển khoa học công nghệ về ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, tìm kiếm cứu nạn
- Đẩy mạnh các hoạt động điều tra cơ bản, đầu tư nghiên cứu khoa học và ứng dụng công nghệ mới trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Hiện đại hóa hệ thống thông tin cảnh báo sớm từ trung ương đến các vùng, miền và địa phương. Chú trọng các hình thức thông tin liên lạc có hiệu quả, nhất là ở vùng núi, vùng biển, vùng sâu, vùng xa.
- Khuyến khích áp dụng các thành tựu khoa học công nghệ tiên tiến nâng cao năng lực dự báo, cảnh báo, thông tin liên lạc; nâng cao năng lực nghiên cứu theo dõi các biến đổi của trái đất, các biến động của tự nhiên trong khu vực và lãnh thổ; khuyến khích ứng dụng công nghệ mới, vật liệu mới trong lĩnh vực phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai.
- Từng bước phát triển các chuyên ngành khoa học về thiên tai: tình trạng khẩn cấp, quản lý thiên tai, phát triển bền vững, y tế thảm họa, phục hồi sản xuất và môi trường sau thiên tai.
Hậu cần-Kỹ thuật CAND có vai trò quan trọng, không thể thiếu của công tác Công an, là nền tảng và động lực nâng cao sức mạnh chiến đấu, hiệu quả công tác của lực lượng CAND trong sự nghiệp bảo vệ an ninh quốc gia, giữ gìn trật tự an toàn xã hội. Trước tình hình biến đổi khí hậu toàn cầu và diễn biến thiên tai vô cùng phức tạp, khó lường trong thời gian tới, công tác HC-KT đảm bảo ứng phó biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn là một nhiệm vụ chính trị quan trọng của Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật (đã được quy định tại nhiệm vụ số 8 theo quyết định 7833/QĐ-BCA, ngày 29/12/2014 )đòi hỏi phải tích cực, chủ động, đảm bảo phục vụ yêu cầu công tác thường xuyên, đột xuất với hiệu quả cao nhất, hạn chế thấp nhất thiệt hại về người và tài sản của nhân dân, góp phần xây dựng lực lượng CAND cách mạng, chính quy, tinh nhuệ, từng bước hiện đại.
Tổng cục Hậu cần-Kỹ thuật tiếp tụcnâng cao chất lượng công tác HC-KT phục vụ công tác chiến đấu, cũng như công tác thường trực ứng phó với biến đổi khí hậu, phòng chống thiên tai và tìm kiếm cứu nạn trong lực lượng CAND; xây dựng chiến lược về công tác cán bộ; tăng cường quản lý Nhà nước về HCKT, hoàn thiện hệ thống văn bản quy phạm pháp luật về HCKT và hệ thống tiêu chuẩn định mức kỹ thuật, định mức trang cấp trang thiết bị phòng chống thiên tai, lụt,bão, tìm kiếm cứu nạn cho các lực lượng để làm cơ sở xây dựng các Đề án, dự án, chương trình, kế hoạch đảm bảo HC-KT CAND ứng phó với BĐKH, PCTTvà TKCN. Tăng cường công tác nắm tình hình, phân tích, đánh giá, chủ động nắm bắt chủ trương, chính sách mới của Đảng và Nhà nước để kịp thời tham mưu cho Đảng ủy CATW và lãnh đạo Bộ Công an chỉ đạo, chỉ huy điều hành các nguồn lực HC-KT CAND đảm bảo ứng phó với BĐKH, PCTTvà TKCN trong tình hình mới./.
PQC.
Tin bài cùng chuyên mục
- Quảng Ngãi: Lũ lên nhanh, Chủ tịch UBND tỉnh chỉ đạo khẩn trương ứng phó (24/11/2024)
- Quảng Ngãi: Mưa lớn, nước trên các sông lên cao trên báo động 3 (24/11/2024)
- Mưa lớn gây sạt lở và ngập cục bộ ở huyện miền núi An Lão, tỉnh Bình Định (24/11/2024)
- Chủ tịch UBND tỉnh Quảng Ngãi ban hành công điện khẩn ứng phó với mưa lũ (24/11/2024)
- Mưa lớn kéo dài, lũ nhấn chìm hàng chục nhà dân tại Quảng Ngãi (24/11/2024)
- Báo cáo nhanh công tác trực ban PCTT ngày 23/11/2024 (24/11/2024)
- Công an tỉnh mở lớp đào tạo lái xuồng máy cho cán bộ chiến sĩ Công an tỉnh. (23/11/2024)
- Xe chở rác rơi xuống sông Hữu Trạch khiến 02 người mất tích (23/11/2024)
Tin tức - sự kiện
- Xử lý hơn 1.000m3 đất đá tràn lấp mặt đường lên Cửa khẩu Cầu Treo
- Ứng phó bão số 1, hàng không đóng cửa 3 sân bay
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra chất lượng các công trình đê điều tại trước mùa mưa bão tại Thanh Hóa
- Thứ trưởng Bộ NN&PTNT Nguyễn Hoàng Hiệp kiểm tra thiệt hại do thiên tai tại Xín Mần (Hà Giang)
- Lễ ký kết: Ứng phó và phục hồi sau hạn hán và xâm nhập mặn tại Đồng bằng sông Cửu Long
- Ban hành Quy chế hoạt động của Ban Chỉ đạo Trung ương về Phòng chống thiên tai.