Bộ Tài nguyên và Môi trường triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019

Ngày đăng: 10/07/2019

Chiều 09/7, Bộ trưởng Bộ Tài nguyên và Môi trường Trần Hồng Hà cùng các Thứ trưởng: Nguyễn Thị Phương Hoa, Võ Tuấn Nhân, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành đã chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019. Tham dự Hội nghị có lãnh đạo các đơn vị trực thuộc Bộ.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà (giữa) cùng các Thứ trưởng: Võ Tuấn Nhân, Nguyễn Thị Phương Hoa, Trần Quý Kiên, Lê Công Thành chủ trì Hội nghị sơ kết công tác 6 tháng đầu năm, triển khai nhiệm vụ 6 tháng cuối năm 2019

Chủ động giải quyết các nhiệm vụ của Bộ Tài nguyên và Môi trường

Phát biểu chỉ đạo Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà ghi nhận và đánh giá cao nỗ lực của lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong 6 tháng đầu năm 2019.

Khái quát về tình hình thực hiện nhiệm vụ thời gian qua, Bộ trưởng Trần Hồng Hà nêu rõ, trong 6 tháng đầu năm 2019, Bộ Tài nguyên và Môi trường đã quyết liệt chỉ đạo triển khai thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP và Nghị quyết số 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ với tinh thần “Kỷ cương, liêm chính, hành động, sáng tạo, bứt phá, hiệu quả”, tiếp tục tập trung hoàn thiện thể chế, đổi mới cơ chế, chính sách, đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn để kiến tạo, tạo động lực tăng trưởng bứt phá.

Đối với những kết quả đạt được của ngành tài nguyên và môi trường trong 06 tháng đầu năm, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cho biết: Thủ tục hành chính tiếp tục được đơn giản hóa nhất là trong lĩnh vực môi trường, số thủ tục thực hiện theo hình thức trực tuyến vượt mức Thủ tướng Chính phủ giao; hoàn thành việc giám sát quy hoạch, quản lý sử dụng đất đai ở đô thị, nguồn thu từ đất dự kiến vượt kế hoạch đề ra, tỷ lệ cấp giấy chứng nhận đạt 97,3% diện tích cần cấp, tỷ lệ người có đất nông nghiệp bị thu hồi hài lòng về mức bồi thường đạt 68% (qua khảo sát của PAPI); thu tiền từ cấp quyền khai thác tài nguyên nước lũy kế đến nay đạt 9.000 tỷ, tăng 2.000 tỷ so với năm 2018. Các chỉ số PAPI, chỉ số đo lường mức độ hài lòng của người dân, chỉ số ứng dụng công nghệ thông tin, chỉ số cải cách hành chính (CCHC),… đều tăng.

Về ứng phó với biến đổi khí hâu (BĐKH) đã huy động được sự chung tay của hệ thống chính trị nhất là ở Đồng bằng sông Cửu Long. Thủ tướng Chính phủ cũng khen ngợi những nỗ lực, hành động của Bộ Tài nguyên và Môi trường đã tổ chức thành công Hội nghị. Đặc biệt, đã tổ chức thành công Hội nghị đánh giá kết quả hai năm triển khai thực hiện Nghị quyết số 120/NQ-CP của Chính phủ về phát triển bền vững Đồng bằng sông Cửu Long vừa diễn ra mới đây  tại TP. Hồ Chí Minh. Hội nghị được đánh giá là đã chuyển biến từ chính sách đến hành động và được các tổ chức quốc tế ghi nhận tinh thần nhìn thẳng vào sự thật tìm ra giải pháp để đưa Nghị quyết 120/NQ-CP vào cuộc sống.

Bộ trưởng Bộ TN&MT Trần Hồng Hà phát biểu chỉ đạo Hội nghị

Bên cạnh đó, Bộ trưởng Trần Hồng Hà cũng ghi nhận những nỗ lực của các cấp trong việc đẩy mạnh phong trào chống sử dụng rác thải nhựa một lần được hưởng ứng mạnh mẽ từ trung ương đến địa phương và lan tỏa tới mọi tầng lớp nhân dân.

Trong 6 tháng cuối năm 2019, Bộ trưởng nhìn nhận còn nhiều những khó khăn, thách thức đặt ra cho ngành tài nguyên và môi trường. “Đó là những thách thức toàn cầu về môi trường, đại dương, biến đổi khí hậu. Cụ thể, tại các địa phương vẫn đối mặt với tình trạng khan hiếm nguồn nước, tranh chấp đất đai, khai thác khoáng sản trái phép… là những vấn đề mà Bộ Tài nguyên và Môi trường phải chủ động giải quyết”, Bộ trưởng đề nghị.

Người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường chỉ rõ, phải tháo gỡ được những bất cập, chồng chéo trong cơ chế, chính sách quản lý đất đai từ Trung ương ương đến địa phương. Đã đến lúc, phải giải quyết tận gốc vấn đề rác thải – vốn đã trở thành một vấn đề gây bất ổn trong xã hội. Bên cạnh đó, trong lĩnh vực tài nguyên nước một số khu vực vẫn đang gặp bất cập với nước cho sinh hoạt, nông nghiệp, tưới tiêu. Với vai trò “cầm cân nảy mực”, Bộ trưởng đề nghị cần tìm ra biện pháp để giúp các địa phương, người dân giải quyết mối xung đột về nguồn nước này.

Để hoàn thành được những mục tiêu của năm 2019, Bộ trưởng đề nghị trong 06 tháng cuối năm, các đơn vị cần tập trung hơn nữa, nỗ lực hơn nữa để thực hiện những nhiệm vụ được giao; bảo đảm tiến độ, chất lượng các nhiệm vụ Chính phủ giao cho Bộ Tài nguyên và Môi trường. Bộ trưởng đề nghị, các đại biểu tại Hội nghị sơ kết cần tập trung xem xét những tồn tại, vướng mắc trong công tác chỉ đạo điều hành; thảo luận, đánh giá kỹ các đề án, nhiệm vụ trong thời gian tới; báo cáo rõ những vấn đề về tài chính; thẳng thắn tập trung thảo luận, đề xuất những ý kiến cụ thể, tham gia đóng góp các ý kiến về cơ chế phối hợp để thực hiện tốt các nhiệm vụ được giao…

Hội nghị đã nghe và thảo luận thắng thắn, cởi mở về các báo cáo như: Tập trung hoàn thiện thể chế, chính sách, pháp luật đẩy mạnh cải cách thủ tục hành chính, tháo gỡ khó khăn tạo động lực cho phát triển; Đổi mới công tác thanh tra, kiểm tra, giải quyết đơn thư khiếu nại tố cáo tập trung giải quyết những vấn đề bức xúc từ thực tiễn; Đẩy mạnh công tác cải cách hành chính; triển khai và ứng dụng khoa học và công nghệ để hiện đại hóa ngành Tài nguyên và Môi trường…

Trước mỗi nội dung, vấn đề, tồn tại cần khắc phục của các lĩnh vực, Bộ trưởng Trần Hồng Hà và các Thứ trưởng phụ trách lĩnh vực đã phân tích, chỉ ra những hạn chế; đồng thời đưa ra những giải pháp cụ thể để các đơn vị cùng nhau thống nhất quan điểm, cùng hướng đến hoàn thành các mục tiêu chung của Bộ Tài nguyên và Môi trường trong năm 2019.

Triển khai công việc tập trung vào tính hiệu quả và khả thi

Kết luận Hội nghị, Bộ trưởng Trần Hồng Hà đề nghị lãnh đạo, cán bộ, công chức, viên chức và người lao động của Bộ Tài nguyên và Môi trường tiếp tục nâng cao hiệu quả thực thi pháp luật, bám sát địa phương cơ sở nắm chắc tình hình, chỉ đạo giải quyết kịp thời những vấn đề quan trọng, cấp bách; thường xuyên kiểm tra, đôn đốc việc thực hiện nhiệm vụ; đối thoại, lắng nghe, giải quyết kiến nghị, tháo gỡ khó khăn của người dân, doanh nghiệp.

Đối với từng lĩnh vực quản lý chuyên ngành, Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cần tập trung phát huy năng lực quản lý nhà nước của ngành, lĩnh vực; theo hướng bảo đảm sử dụng bền vững và phát huy hiệu quả các nguồn lực tài nguyên cho phát triển. Trong đó, tập trung cải thiện chỉ số tiếp cận đất đai, nâng cao chỉ số đăng ký tài sản, giải quyết các tồn tại hạn chế trong quản lý, sử dụng đất đai tại đô thị, khai thác hiệu quả nguồn lực đất đai; tăng cường quản lý, sử dụng bền vững tài nguyên nước; tăng cường điều tra cơ bản, phát huy nguồn lực khoáng sản cho phát triển kinh tế đất nước; tập trung tạo chuyển biến căn bản trong công tác bảo vệ môi trường, phấn đấu mục tiêu vượt chỉ tiêu đặt ra trong Nghị quyết số 01/NQ-CP của Chính phủ; đổi mới công tác dự báo, đa dạng hóa sản phẩm khí tượng thủy văn phục vụ phát triển kinh tế - xã hội, phòng chống thiên tai; tập trung nghiên cứu các giải pháp tổng thể ứng phó với biến đổi khí hậu; triển khai xây dựng hạ tầng không gian địa lý, tích hợp các dữ liệu nền tảng để sẵn sàng cho ứng dụng các thành tựu của cuộc cách mạng công nghiệp 4.0…

Bộ trưởng Trần Hồng Hà phát biểu kết luận tại Hội nghị

Đối với những nhiệm vụ quan trọng của Bộ cần thực hiện trong thời gian tới, Bộ trưởng đề nghị Thủ trưởng các đơn vị cần xem xét và chỉ đạo đơn vị cần mạnh mẽ hơn nữa, kỷ luật kỷ cương phải đặt lên hàng đầu., công tác chỉ đạo điều hành phải có tính hệ thống và khoa học.

Cụ thể, với vấn đề xây dựng chính sách pháp luật, thể chế, Bộ trưởng đề nghị Vụ pháp chế cùng các đơn vị cần xây dựng các kế hoạch có tính hệ thống và khoa học để xây dựng và bảo đảm chất lượng dự thảo văn bản quy phạm phát luật và hoàn thành 100% chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 của Bộ, trong đó có những bộ luật rất quan trọng đối với sự phát triển kinh tế xã hội như Luật Đất đai, Luật Bảo vệ môi trường, các văn bản hướng dẫn thi hành Luật Đo đạc và bản đồ… Bên cạnh đó, công tác cải cách hành chính (CCHC), cải cách thủ tục hành chính và việc trao đổi, chia sẻ thông tin, cơ chế phối hợp công tác giữa Bộ và các địa phương tiếp tục phải được củng cố, tăng cường.

Toàn cảnh Hội nghị

Tuy nhiên, để hoàn thành mục tiêu đặt ra, theo người đứng đầu ngành tài nguyên và môi trường, trong thời gian tới, các đơn vị của Bộ cần nghiêm túc xây dựng, triển khai thực hiện kế hoạch CCHC và có các biện pháp khắc phục ngay các tồn tại tại đơn vị mình; chủ động nắm bắt, trao đổi thông tin; trả lời kịp thời, đầy đủ phản ánh, kiến nghị của người dân, tổ chức về các lĩnh vực thuộc phạm vi quản lý. “Thủ trưởng đơn vị trực thuộc Bộ chịu trách nhiệm trước Bộ trưởng về kết quả CCHC của đơn vị; nếu để mất điểm CCHC từ nguyên nhân chủ quan thì sẽ xem xét xử lý theo quy định và phân loại đánh giá công chức, viên chức.” – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhấn mạnh về công tác thanh tra, kiểm tra, Bộ trưởng cho rằng: Bên cạnh việc tăng cường trao đổi và chia sẻ thông tin, giải quyết những vấn đề phát sinh trong thực tiễn với địa phương; Bộ và các đơn vị trực thuộc Bộ sẵn sàng hỗ trợ địa phương trong quá trình triển khai các cơ chế, chính sách, pháp luật và giải quyết, tháo gỡ khó khăn cũng như những vấn đề phát sinh trong quá trình thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra. “Công tác thanh tra cần tập trung vào tính hiệu quả và khả thi. Thực hiện công tác thanh tra, kiểm tra cần chọn đúng mục tiêu. Số cuộc thanh tra, kiểm tra không cần nhiều nhưng phải minh bạch và hiệu quả.”,…. – Bộ trưởng Trần Hồng Hà nhấn mạnh.

Nhiệm vụ trọng tâm 06 tháng cuối năm 2019

Để thực hiện thành công mục tiêu năm 2019 là năm bứt phá về mọi mặt, Bộ Tài nguyên và Môi trường đặt quyết tâm cao hoàn thành các mục tiêu, nhiệm vụ đặt ra trong chương trình công tác năm, chương trình hành động của Ngành thực hiện các Nghị quyết số 01/NQ-CP, 02/NQ-CP năm 2019 của Chính phủ; trong 6 tháng cuối năm 2019, các đơn vị cần trung hoàn thành việc xây dựng trình các đề án, văn bản quy phạm pháp luật còn lại trong Chương trình công tác, Chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật năm 2019 của Bộ; đồng thời tiếp tục đổi mới tư duy hành động; chủ động, sáng tạo trong công tác điều hành; dự báo, phản ứng chính sách kịp thời để vượt qua khó khăn, thách thức tạo sự chuyển biến mạnh mẽ, thực chất trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên, chủ động trong công tác BVMT và ứng phó với BĐKH đóng góp trực tiếp cho tăng trưởng kinh tế, bảo đảm an sinh xã hội. Cụ thể là:

1. Tập trung tháo gỡ các vướng mắc, tạo đột phá về thể chế để thúc đẩy phát triển sản xuất kinh doanh, giải quyết các vấn đề xã hội, bảo vệ môi trường cho phát triển bền vững. Sửa đổi Luật Đất đai hoàn thiện các công cụ kinh tế, tài chính, đổi mới phương pháp định giá đất để quản lý, điều tiết các quan hệ đất đai phù hợp với thể chế kinh tế thị trường, phòng chống thất thoát, lãng phí trong quản lý, sử dụng đất. Giải quyết hài hòa lợi ích giữa nhà nước, người sử dụng đất và nhà đầu tư. Đổi mới nội dung, phương pháp lập quy hoạch với tầm nhìn dài hạn, khai khác tối đa không gian ngầm và chiều cao; quản lý quy hoạch đến thửa đất; hoàn thiện chính sách quản lý, sử dụng đất nông nghiệp để thúc đẩy tập trung đất đai cho sản xuất nông nghiệp quy mô lớn.

Sửa đổi Luật Bảo vệ môi trường giải quyết hài hòa mối quan hệ giữa phát triển kinh tế và bảo vệ môi trường, hoàn thiện cơ chế tài chính, trách nhiệm đóng góp trong giải quyết các vấn đề môi trường theo nguyên tắc người gây ô nhiễm phải chi trả chi phí bảo vệ môi trường, khuyến khích xã hội hóa, thể chế hóa các cam kết quốc tế về môi trường mà Việt Nam đã tham gia. Thiết lập các hàng rào kỹ thuật để tạo những thay đổi đột phá, đảm bảo sự chủ động trước các nguy cơ ô nhiễm môi trường, dịch chuyển các công nghệ lạc hậu vào Việt Nam

Trình Chính phủ 05 Nghị định thuộc Chương trình xây dựng, ban hành văn bản quy phạm pháp luật năm 2019.

2. Tăng cường hiệu quả công tác thanh tra, kiểm tra, xử lý kịp thời vấn đề bức xúc, điểm nóng phát sinh. Ưu tiên cho nguồn lực cho, kiểm tra thanh tra việc chấp hành pháp luật về bảo vệ môi trường đối với các tổ chức sản xuất, kinh doanh, dịch vụ, việc sử dụng đất của các nông, lâm trường, việc chấp hành các quy định của pháp luật về tài nguyên nước trong hoạt động thăm dò, khai thác, sử dụng, xả nước thải vào nguồn nước, thanh tra chuyên đề xác định sản lượng khoáng sản khai thác thực tế, việc chấp hành pháp luật khí tượng thủy văn. Thực hiện tốt công tác tiếp công dân, giải quyết khiếu nại, tố cáo; tập trung giải quyết các vụ việc Thủ tướng Chính phủ giao và các vụ việc tồn đọng kéo dài.

3. Tiếp tục đẩy mạnh cải cách hành chính gắn với xây dựng Chính phủ điện tử, thực hiện các giải pháp cải thiện môi trường kinh doanh, năng lực cạnh tranh. Hoàn thiện quy trình liên thông trong giải quyết các thủ tục hành chính (TTHC) thuộc các lĩnh vực môi trường, tài nguyên nước, biển và hải đảo. Thực hiện cung cấp Dịch vụ công trực tuyến đối với tất các các TTHC thuộc thẩm quyền giải quyết của Bộ. Hoàn thiện, kết nối dịch vụ công trực tuyến của Bộ với cổng Dịch vụ công quốc gia; hệ thống một cửa quốc gia, một cửa ASEAN. Xây dựng, hoàn thiện cơ sở dữ liệu tài nguyên và môi trường kết nối, chia sẻ với dữ liệu của các địa phương, Bộ, ngành; thúc đẩy về ứng dụng công nghệ thông tin và triển khai vận hành Chính phủ điện tử. Chuyển dần việc chỉ đạo điều hành giữa Bộ với các Sở Tài nguyên và Môi trường sang môi trường mạng. Tiếp tục hoàn thiện cơ chế tương tác giữa Bộ với người dân, doanh nghiệp; thiết lập cơ chế để người dân đánh giá chất lượng cung cấp các dịch vụ công.

Tăng cường năng lực đội ngũ cán bộ, công chức; siết chặt kỷ luật, kỷ cương, đạo đức công vụ nhất là trong hoạt động thanh tra, kiểm tra, giải quyết thủ tục hành chính. Triển khai Đề án tăng cường năng lực đội ngũ công chức, viên chức ngành Tài nguyên và Môi trường đến năm 2030. Tăng cường trách nhiệm của người đứng đầu các cơ quan đơn vị nếu để xảy ra tình trạng cán bộ vi phạm các quy định của pháp luật, nhũng nhiễu trong thực thi công vụ.

4. Tăng cường kỷ luật ngân sách, sử dụng có hiệu quả các nguồn vốn đầu tư, kiểm tra, giám sát chặt chẽ đầu tư công, sử dụng tài sản công, kiên quyết phòng, chống tham nhũng, lãng phí trong sử dụng ngân sách, tiết kiệm trong tổ chức hội nghị, hội thảo, khánh tiết, công tác nước ngoài. Điều hành dự toán ngân sách nhà nước linh hoạt, trong đó tập trung nguồn lực tài chính thực hiện các vấn đề cấp bách của ngành tài nguyên và môi trường theo chỉ đạo điều hành của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ. Xác định các nhiệm vụ, giải pháp trọng tâm cần tập trung ưu tiên của ngành trong Kế hoạch phát triển KT-XH và Dự toán ngân sách nhà nước năm 2020.

5. Tiếp tục đổi mới công tác nghiên cứu khoa học và công nghệ (KH&CN); gắn nghiên cứu với chuyển giao, thực hiện cơ chế đấu thầu đặt hàng để khoa học công nghệ đóng góp vào sự phát triển của ngành. Tăng cường phối hợp nghiên cứu KH&CN giữa các đơn vị trong và ngoài Bộ, lấy một số Viện và hai trường đại học trực thuộc Bộ làm nòng cốt để hình thành các nhóm nghiên cứu mạnh về TN&MT, tập trung trước mắt vào các lĩnh vực môi trường; tài nguyên nước; địa chất và khoáng sản; biển và hải đảo.

6. Tiếp tục hội nhập và mở rộng hợp tác quốc tế; thúc đẩy, mở rộng các diễn đàn đối thoại, tham vấn chính sách nhất là trong sửa đổi Luật Đất đai và Luật Bảo vệ môi trường. Rà soát, thể chế hóa các hiệp định, cam kết mà Việt Nam đã tham gia.

7. Tổ chức thực hiện các chương trình truyền thông, mô hình truyền thông về tài nguyên và môi trường nhằm nâng cao nhận thức của cộng đồng trong thực hiện các biện pháp sử dụng tiết kiệm, hiệu quả các nguồn tài nguyên thiên nhiên, thay đổi thói quen tiêu dùng, giảm thiểu việc sử dụng các sản phẩm nhựa sử dụng một lần.

  • Tiêu đề *
  • Người gửi *
  • Email *
  • Nội dung bình luận *
  • Mã bảo vệ *
  • Gửi bình luận Đóng lại

Tin tức - sự kiện

Video

Hình ảnh

Thông tin thời tiết

Ứng phó với biến đổi khí hậu

Phòng chống thiên tai

Tìm kiếm cứu nạn - cứu hộ

PC tại nạn thương tích

Công điện

Văn bản chỉ đạo

Hoạt động của BCĐ

Văn bản pháp quy

Hợp Tác Quốc Tế

Chương trình - Kế hoạch

Đề án - Dự án

Nhu cầu - Tiềm lực

Thông tin tuyên truyền

Phổ biến kiến thức

Liên kết Website

BẢN ĐỒ GOOGLE

GOOGLE MAP

ẢNH VỆ TINH

SATELLITE IMAGE

ẢNH RA ĐA

RADA IMAGE

BẢN ĐỒ THỦY VĂN

HIDROLOGICAL IMAGE

Thống kế lượt truy cập